Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ

Ed 34,11-12.15-17; 1 Cr 15,20-26.28; Mt 25,31-46.
'Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta'.


Anh chị em thân mến

Hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, chuẩn bị bước sang mùa phụng vụ mới, Giáo hội cử hành lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Thánh lễ hôm nay nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu. Bởi vì chúng ta là thụ tạo của Người; tất cả mọi sự được dựng nên vì Người và cho Người. Chúng ta là đoàn dân được Người cứu chuộc bằng máu đổ ra trên thập giá. 

Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai gửi cho tín hữu Côrintô đã khẳng định: "Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống" (1Cor 15,22). Nhờ ơn cứu chuộc từ công trình của Người, tất cả mọi sự đều phục tùng Người, qua Người vạn vật phục tùng Chúa Cha.

Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Ezêkiel đã trình bày cho chúng ta hình ảnh một vị vua như người mục tử, đi tìm đàn chiên của mình. "Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng" (Ez 34,16).  

Người mục tử ấy cũng sẽ là người xét xử chúng ta. Tiên tri Ezekiel giúp cho chúng ta hiểu được người mục tử ấy qua những lời lẽ sau đây: "Này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê"(Ez 34,17). Đặc biệt bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta hiểu được chân lý sâu xa này. Thánh sử Matthêô trong trang Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy viễn cảnh của ngày thẩm xét: " Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái"(Mt 25,32-33).

Trên mặt đất này, Nước Chúa được mô tả với sự hiện diện của những người xấu và người tốt, biểu tượng hóa bằng hình ảnh chiên và dê. Nhưng sau cái chết sẽ có một sự tách biệt rõ ràng: những người tốt sẽ được cứu rỗi, trong khi những kẻ xấu sẽ bị luận phạt.

Việc kết án ấy mang tính dứt khoát. Đối với những người tốt, Chúa Giêsu nói:  "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa"(Mt 25,34); và với những người, xấu Người tuyên bố rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó"(Mt 25,42).        
                       
Chúng ta cần phải ghi nhớ ở đây một điều rất quan trọng đó là: Chúng ta sẽ chịu phán xử về những hành vi liên quan đến đức ái. Ở đây Chúa Giêsu đưa ra những qui chuẩn của đức ái liên quan đến phần xác:  Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Cho khách đỗ nhà. Chuộc kẻ làm tôi. Chôn xác kẻ chết... Tất nhiên đây không phải là một danh sách đầy đủ, nhưng đó là những gì mà Thiên Chúa muốn chúng ta hiểu rằng Người sẽ tìm kiếm đức ái và lòng mến yêu đang có nơi mỗi thụ tạo của Người. Phần chúng ta, chúng ta phải nhận ra nơi tha nhân sự hiện diện của Thiên Chúa, nhất là nơi những người túng thiếu. Ai yêu mến Thiên Chúa, người đó không thể tách mình ra khỏi tha nhân. Chúng ta càng yêu Thiên Chúa bao nhiêu, thì càng phải yêu mến anh em mình bấy nhiêu.                               
                               
Vượt trên những hành động bác ái liên quan đến phần xác, còn có những công việc mang tính tinh thần, chúng thực sự quan trọng đối với người tín hữu, chẳng hạn như : lấy lời lành mà khuyên người. Mở dậy kẻ mê muội. Yên ủi kẻ âu lo. Răn bảo kẻ có tội. Tha kẻ dể ta. Nhịn kẻ mất lòng ta. Cầu cho kẻ sống và kẻ chết. 

Nếu đó là những điều quan trọng thực sự, thì vì lý do gì, trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ nói về những việc liên quan đến phần xác? Đặt lại vấn đề để chúng ta hiểu rằng, khi làm việc bác ái, qua phương tiện vật chất, điều cốt lõi ở chỗ chúng ta đem đến cho các linh hồn hình ảnh của Thiên Chúa. Điều đó cũng được Mẹ thánh Têrêsa Calcutta nói đến. Mẹ muốn đưa những người nghèo ra khỏi cảnh nghèo khó của họ, nhất là phải quan tâm đến số phận đời đời của họ. Mẹ muốn đem Chúa Giêsu đến cho người nghèo, và đã tự đặt ra cho mình một phương pháp đó là cầu nguyện cho họ bằng chuỗi hạt mân côi. Vật chất và tinh thần, cả hai công việc bác ái ấy luôn phải đi bên nhau. Thiên Chúa sẽ không ban thưởng cho chúng ta vì những công việc tốt đẹp mà chúng ta đã thực hiện, nhưng vì lòng yêu mến mà chúng ta có trong khi thực hiện những công việc ấy. Một công việc tốt cũng có thể thực hiện với sự kiêu ngạo, khinh thường, trong trường hợp này nó không khác gì sự sỉ nhục mà chúng ta đem đến cho tha nhân, và tất nhiên đó không phải là hành vi bác ái. Bác ái Kitô giáo là những gì cho phép chúng ta nhận ra nơi tha nhân hình ảnh của Chúa Kitô, bằng cách yêu mến và phục vụ họ.

Hôm nay cử hành lễ Chúa Kitô Vua, nhưng tại sao Giáo hội lại chọn đoạn Tin mừng này? Giáo hội chọn vì muốn cho chúng ta hiểu rằng Vương quốc của Thiên Chúa là một Vương quốc của tình yêu, nơi đó đức ái luôn được đề cao và  tồn tại. Trái lại, nếu chúng ta thống trị bằng sự ích kỷ, thói hư tật xấu, chúng ta tự làm cho mình xa rời khỏi ơn cứu độ đời đời. Một văn sĩ xưa đã viết: "Nếu chúng ta muốn Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta, thì không còn cách nào khác là đừng để cho tội lỗi thống trị thân xác hay chết của mình”.

Hãy để cho Thiên Chúa làm chủ con người chúng ta bằng việc hoán cải và chân thành thú nhận mọi tội lỗi của mình khi đến trước tòa giải tội. 

Lạy Trái tim Chúa Giêsu làm vua cai trị mọi loài,
xin Trái tim Chúa làm Vua cai trị lòng con suốt đời! 

Giuse Võ Tá Hoàng
 
Mới hơn Cũ hơn