Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 7 Thường niên A



CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN

Bài I : Lv 19, 1-2. 17-18

Đoạn sách Lêvi hôm nay rút từ một sưu tập pháp lý mệnh danh là “Luật về sự thánh thiện”[1]. Bởi vì nó đặc biệt nhấn mạnh đến sự thánh thiện của Thiên Chúa và những đòi hỏi mà dân Giao Ước phải chu toàn đối với một vị Thiên Chúa siêu việt chí thánh.

Những đòi hỏi ấy đặc biệt liên quan tới việc tế tự. Trong mối liên hệ tới tế tự ấy, quan niệm về sự thánh thiện đi liền với quan niệm về sự trong sạch trinh khiết: luật về sự thánh thiện cũng là luật của sự trong sạch, một điều đáng chú ý là ngay giữa những qui định thuộc bình diện tế tự ấy lại xuất hiện một đoạn đề cập đến tình yêu huynh đệ mà cao điểm là lời kêu gọi mọi người hãy yêu thương tha nhân như chính mình.

Mặc dù nhãn quan của sách Lêvi còn quá hạn hẹp, vì tình bác ái huynh đệ ấy chỉ được nêu lên như một bổn phận đối với người đồng hương Israel mà thôi, chứ chưa bao trùm hết mọi người trên thế giới. Nhưng dù sao sự hiện diện của giới luật yêu thương ấy ngay giữa những đòi hỏi mà con người cần phải có đối với sự thánh thiện của Thiên Chúa đã là một điều có ý nghĩa.

Thiên Chúa Đấng ký kết Giao Ước với Israel là Đấng Thánh. Vì thế, tất cả mọi người Israel đều có bổn phận phải sống thánh thiện, sự thánh thiện không chỉ hạn hẹp trong việc tế tự đối với Thiên Chúa, mà còn phải chi phối thái độ của con người với nhau. Nói cách khác, con người không thể vừa cùng nhau tham dự những lễ nghi phụng tự, lại vừa có thể để lòng thù ghét lẫn nhau. Hành vi phụng thờ mà Thiên Chúa ưa thích nhất và xứng với Người nhất chính là tình yêu của chúng ta đối với Người, bởi vì Người chính là tình yêu, thế mà chúng ta không thể nói rằng mình yêu mến Thiên Chúa trong khi lại không thực lòng yêu mến tha nhân như Thánh Gioan đã viết: “Nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại thù ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu người anh em mà họ trông thấy, thì không thể nào yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”[2].

Bài II : 1Cr 3, 16 - 23

Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Chúa ngự trong anh em sao? Trong tất cả các tôn giáo đền thờ là nơi thánh, nơi thánh linh hiện diện với con người để tiếp nhận phụng tự của họ và cho họ thông phần vào các ân huệ và sự sống của mình. Trong thời Cựu Ước, đền thờ Giêrusalem là biểu hiện của sự hiện diện giữa Thiên Chúa với dân Người, vì thế dân chúng từ khắp muôn nước hành hương về đó để chiêm ngưỡng long nhan Người. Thế nhưng đền thờ Do Thái cũ đã chấm dứt vai trò dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa khi Đức Kitô xuất hiện trên trần gian. Từ đây vai trò ấy đã được chu toàn do một dấu chỉ khác là chính thân xác Đức Giêsu Kitô. Theo Thánh Phaolô, Giáo Hội chính là thân xác Đức Kitô, nên Giáo Hội cũng là đền thờ Thiêng liêng của Thiên Chúa được thiết lập trên Đức Kitô là nền tảng, là đầu và là đá góc tường, mà Giáo Hội là cộng đoàn tín hữu nên chính mỗi tín hữu cũng là đền thờ của Thiên Chúa với tư cách là thân thể của chi thể Chúa kitô [3] và trong họ có Thánh Thần Thiên Chúa ngự trị.

Với tư cách là đền thờ Thiên Chúa, mỗi tín hữu đều là những vật thánh đã được thánh hiến. Đền thờ là ngôi nhà được thánh hiến cho Thiên Chúa để thuộc về Mình Người mà thôi. Đồng thời tất cả những gì có liên hệ đến nó cũng thánh hiến theo, chẳng hạn những người phục vụ trong đền thờ, đồ dùng trong đền thờ....Bởi vậy Thánh Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: Mọi sự thuộc về anh em, anh em thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa. Qua mối dây liên hệ ấy, sự thánh thiện của Thiên Chúa truyền sang mỗi người tín hữu qua trung gian Đức Kitô. Chính khi liên hệ với Đức Kitô mỗi người tín hữu có thể hiện vai trò đền thờ của mình, tức là trở thành nơi hiện diện của Thiên Chúa giữa thế giới và đồng thời có thể thánh hiến tất cả mọi thực tại trần gian mà họ chạm tới như lịch sử, địa bàn sinh sống, các mối tương quan xã hội...

Tin Mừng : Mt 5, 38 - 48

Trong chiều hướng kiện toàn lề luật, hôm nay Đức Kitô tiếp tục bàn tới hai giới luật khác trong Cựu Ước. Đó là luật báo thù và luật yêu thương tha nhân.

“Mắt đền mắt, răng đền răng”[4], luật cũ đã dạy như thế và người ta cứ chiếu theo đó mà thi hành suốt hơn ngàn năm. Như thế phải chăng báo thù là một hành động hoàn toàn phù hợp với thánh ý Thiên Chúa?

Theo ngôn ngữ hiện đại, báo thù là trừng trị người đã hại mình theo tôn chỉ dĩ ác báo ác. Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, báo thù chỉ việc tái lập công bình, nghĩa là chiến thắng tội ác, việc báo thù là một hành vi cấm đoán, nếu nó bị thúc đẩy bởi lòng thù ghét ác nhân, nhưng ngược lại là để bảo vệ quyền lợi bị chà đạp thì nó lại là nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc thực hành nhiệm vụ ấy thay đổi tùy theo dòng lịch sử: cá nhân không có quyền báo thù, quyền đó dành cho xã hội và nhất là dành cho Thiên Chúa. Dần dần trong Cựu Ước Thiên Chúa đã tự tỏ mình là Đấng báo thù hợp pháp duy nhất cho công bình.

Luật mắt đền mắt răng đền răng là một nguyên tắc nhằm kiềm hãm sự báo thù vô hạn định của thời man rợn [5]. Thế nhưng dần dần Israel đã được giáo dục về lòng nhân đạo và luật về sự thánh thiện đã góp phần triệt hạ lòng ao ước báo thù như đoạn sách Lêvi chúng ta đọc hôm nay: “Đừng giữ lòng thù ghét anh em...đừng tìm báo oán...hãy yêu thương bạn hữu như chính mình” [6]. Tuy vậy, việc giáo dục ấy đã đạt đến kết quả viên mãn, bởi vì còn có người vẫn lấy khoản luật đã lỗi thời ấy để biện minh cho hành động báo thù cá nhân của mình.

Vì thế, Chúa Giêsu nghĩ rằng đã đến lúc cần phải quét sạch mọi tàn tích không hợp thời ấy để đưa lề luật đến mức độ kiện toàn nên Người phán dạy: “Thầy bảo các con, đừng chống cự với kẻ hung ác, trái lại nếu ai vả má bên phải của con thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Ai muốn kiện tụng để đoạt áo trong của con thì trao luôn cho nó cả áo choàng nữa. Ai bắt con đi một dặm đường thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn thì con đừng từ khước” [7].

Thoạt nghe chúng ta cảm thấy lời Người có vẻ chướng tai. Phải chăng phải im lặng chịu đựng mọi bất công lạm dụng để mình chịu bạc đãi và bị khai thác, bị cướp đoạt cách bất công, bị bắt nạt như con nít. Nếu cứ như vậy thì có lẽ cuối cùng cộng đoàn Kitô giáo chỉ toàn là những con người không có chỗ đứng nào trong xã hội, một đoàn nô lệ, một đoàn hành khất, và những kẻ bóc lột cứ tiếp tục tung hoành, những bất công xã hội cứ tiếp tục gia tăng, bởi vì có tiếp tay bởi người công giáo chúng ta, tiếp tay với tư cách là những nạn nhân tự nguyện và phải chăng như thế Kitô giáo là một tôn giáo chủ trương lập trường chủ bại, tinh thần nhu nhược, thái độ cầu an? Kitô giáo thường bị chỉ trích như vậy rồi đấy chứ!

Vậy chúng ta phải hiểu giáo huấn của Đức Kitô như thế nào? Trước hết, lý do khiến chúng ta hoàn toàn khước từ việc báo thù chính là lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, chúng ta không báo thù nhưng phó mặc Thiên Chúa báo thù cho sự công bình vì Chúa đã phán: “Quyền báo thù là của ta”[8], bởi vì Người là thẩm phán chí công, Đấng thấu suốt tâm can và hoàn trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm. Chúa Giêsu không phủ nhận sự xét xử của tòa án nhân loại nhằm bênh vực công lý, nhưng Người đòi các tín hữu phải tha thứ các xúc phạm cá nhân và yêu thương kẻ thù. Trong khi luật báo thù của Cựu Ước đòi hỏi công bình bằng cách phục thù để tái lập sự công bình đã bị xúc phạm, thì Chúa Giêsu lại đòi hỏi cao hơn: một tình bác ái được thể hiện qua cử chỉ tha thứ. Sở dĩ người Kitô hữu không chống cự lại người ác không phải vì đó là phương pháp bất bạo động, nhưng vì tinh thần yêu thương và hy sinh.

Chủ trương bất bạo động chỉ là một phương thế thực hành ẩn dấu, một thái độ hoàn toàn xa lạ với yêu thương kẻ thù. Bất bạo động là không cần vũ khí giết người, nhưng bù lại là những thái độ căm hờn, tẩy chay. Trái lại, yêu thương tha thứ là một thái độ nội tâm dĩ đức báo oán nên nó hòa giải để hận thù tha thứ không phải là một sự nhu nhược, nhưng là một thái độ can đảm vượt trên bản năng dã thú tự nhiên của con người. Nó không phải là sự bó tay trước sự ác, nhưng là quyết tâm làm lành để thắng dữ [9]. Chỉ có tình yêu và sự tha thứ mới có sức biến đổi kẻ thù từ nội tâm của họ. Nếu tình yêu của người Kitô hữu không phải chỉ là một danh từ rỗng tuếch bên ngoài, nhưng là một thái độ nội tâm thật sự thì nó sẽ có một sức mạnh khôn lường khả dĩ thay đổi tình trạng thù nghịch giữa họ với kẻ thù. Bởi vậy, một lần nữa Chúa Giêsu kiện toàn lề luật cũ bằng cách đưa nó vào nội tâm các tín hữu, để nhờ Chúa Thánh Thần hoạt động trong họ như trong đền thờ Người, họ có thể dập tắt hận thù trong môi trường họ sinh sống.

Tha thứ là bước đầu, giờ đây Chúa Giêsu muốn dẫn đưa các tín hữu vào những bước tiếp theo “các con đã nghe dạy rằng hãy yêu tha nhân và ghét địch thù, còn Thầy thì Thầy bảo các con hãy yêu thương thù địch, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con và cầu nguyện cho những kẻ bách hại và vu khống các con...”[10]. Thật là rõ ràng: tình yêu là lề luật duy nhất, ngay cả đối với kẻ thù [11]. Giới răn này nổi bật giữa những đòi hỏi mới mẻ nhất của Chúa Giêsu. Người không đến để phủ nhận sự thù nghịch, nhưng để phơi bày nó trong tất cả chiều kích của nó lúc Người chiến thắng nó. Nó chẳng phải là sự kiện như bao sự kiện khác. Nó là một mầu nhiệm, mầu nhiệm sự dữ, dấu chỉ của Satan. Bởi vậy chỉ có chiến thắng nó bằng một mầu nhiệm, ngược lại mầu nhiệm tình yêu, dấu chỉ của Thiên Chúa, Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu của Người bao trùm mọi tạo vật, Người không ghét bất kỳ một tạo vật nào Người đã tác thành. Người sẵn sàng cho mặt trời mọc lên chiếu soi và sưởi ấm cả người lành lẫn kẻ dữ, và cho mưa tưới mát ruộng vườn của kẻ công chính lẫn đứa ác nhân. Tình yêu của Người phải là gương mẫu cho tình yêu của chúng ta đối với nhau. Nếu chúng ta chỉ giới hạn tình yêu của mình nơi những người thân thuộc mà thôi thì có gì cao cả đâu, bởi vì tất cả những kẻ tội lỗi cũng biết đùm bọc nhau, một tình yêu hạn chế như thế không phải là một dấu lạ khả dĩ làm chứng cho Thiên Chúa được. Thiên Chúa luôn hiện diện trên thế gian với bao ân huệ của Người. Người hiện diện ở đó như đền thờ của Người, nhưng thiên hạ đâu có nhận ra Người. Bởi vậy người Kitô hữu chúng ta phải làm sao bày tỏ sự hiện diện ấy cho thế giới. Nếu sự hiện diện của Người trên thế giới là một sự hiện diện đầy tình yêu, thì chỉ có việc thực hành tình yêu cao độ của chúng ta mới có làm cho họ đặt vấn đề, thay vì hận thù như họ, chúng ta lại yêu thương tha thứ. Làm như thế là chất lửa lên đầu họ, ngọn lửa ấy sẽ biến thành tình yêu nếu họ ưng thuận. Làm như thế tức là chúng ta không lùi bước trước bất công nhưng là tìm giải các bất công. Chúng ta không nhu nhược cầu an, nhưng tìm cách biến đổi thế giới tận nội tâm mỗi người, không ai lại có thể giữ mãi thái độ hận thù đối với người thực tâm yêu thương họ. Vấn đề là chúng ta có thực tâm yêu thương họ hay không.

-----------------------------------
[1] Lv 17-26
[2] 1Ga 4,20
[3] 1Cr 6,15; 12,27
[4] Xh 21,21
[5] Kn 4,15-24
[6] Lv 19,17t
[7] Mt 39, 42
[8] Tl 32,35
[9] Rm 12,21
[10] Mt 5, 43-44
[11] Lc 6,27
Mới hơn Cũ hơn