Tấm áo trong không có đường khâu của Chúa Giêsu tượng trưng cho điều gì?

Stefano Tarocchi



Tin Mừng về cuộc Thương Khó nhấn mạnh rằng chiếc áo trong của Chúa Giêsu không có đường khâu mà được làm từ một mảnh vải duy nhất. Nó có ý nghĩa thế nào? Chiếc áo ấy có giá trị biểu tượng cụ thể nào không?

Dưới đây là trả lời của cha Stefano Tarocchi, trưởng khoa thần học thuộc miền trung nước Ý.

Trước hết chúng ta tìm đến đoạn Tin mừng Gioan, trong đó đề cập đến tình tiết này: “Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: "Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được". Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm” (Ga 19,23-24).

Trình thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu theo Phúc âm thứ tư là trình thuật duy nhất nhắc đến thời điểm Chúa Giêsu bị đóng đinh, những người lính thi hành nhiệm vụ xử án Chúa Giêsu, sau khi đã chia áo của Chúa ra thành bốn phần, mỗi người một phần, họ phải quyết định về chiếc áo trong mà Chúa Giêsu đã mặc.

Bản văn Tin mừng nhấn mạnh đến sự kiện chiếc áo, khoác trên người của Chúa, được dệt thành một tấm dài từ trên xuống dưới: được biết nó không có bất kỳ đường khâu nào: tuy nhiên, đó không phải là một bộ đồ có giá trị đặc biệt. Điều đang xảy ra trên bộ trang phục này vốn chưa từng xảy ra trước đây. Những người lính bắt thăm chiếc áo này để xem ai được thì lấy.

Nền tảng của đoạn văn có trong Thánh vịnh 22: “Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn”. Thánh vịnh này thực sự trở thành nguồn ẩn chứa cho trình thuật thương khó. Thánh sử nhấn mạnh về việc Kinh thánh được ứng nghiệm, như thể chính nó góp phần cung cấp dấu vết cho các sự kiện dẫn Con Thiên Chúa đến với thập giá.

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà thánh sử nhấn mạnh đến chi tiết này: chiếc áo trong của Chúa Giêsu vẫn còn nguyên vẹn. Đây là chi tiết lát nữa sẽ được nhắc lại ở chương sau, là chi tiết được thêm vào phần đầu trong đoạn kết của Tin mừng, kể lại việc Chúa Giêsu tỏ mình trên biển hồ Tibêria, ở Galilêa.

Ngay cả trong trường hợp sau đây có một cái gì đó không hề bị gián đoạn, dù nó đến từ lý do khác.

Chúng ta cùng theo dõi đoạn Tin Mừng: “Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simôn Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simôn Phêrô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư? " Các ông trả lời: "Thưa không." Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: "Chúa đó! " Vừa nghe nói "Chúa đó! ", ông Simôn Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây! " Ông Simôn Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách” (Ga 21, 1-11).

Giống như chiếc áo, lưới cũng không bị rách, trong trường hợp này chiếc lưới khắc chế được sức nặng của cá và sức căng giãn của lưới – do đó không bảo tồn giá trị của một chiếc áo vải được dệt nguyên tấm. Thánh sử trình bày câu chuyện này với cùng một động từ, trong tiếng Hy lạp là “schizo”, từ đây phát sinh ra từ “scisma”, - “ly giáo”, và sau đó được dùng để chỉ đến những chia rẽ luôn có thể xảy ra bên trong cộng đoàn tín hữu.

Tóm lại, thông điệp được nói ở đây là : Cái chết của Chúa Giêsu tạo nên cơ hội để cộng đoàn các môn đệ của Ngài duy trì nguyên vẹn.

Vì vậy, khi sự hiệp thông được duy trì trọn vẹn, thay vì bị đổ vỡ vô số lần, không phải vì họ xứng đáng, như lịch sử đã dạy cho chúng ta, nhưng đó là một món quà khôn cùng của Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại ban cho.

Khi sự hiệp nhất này bị phá vỡ, vì bất cứ lý do gì mà nó xảy ra, thì không phải chỉ là một quan điểm bị phá vỡ mà là món là lớn nhất của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Người : hiệp thông với Người, bị phá vỡ.

G. Võ Tá Hoàng


Mới hơn Cũ hơn