Khiêm nhường để đón nhận Ân sủng



Hôm nay trong bầu khí linh thiêng của lễ Giáng sinh, chúng ta hướng lòng về hang đá, máng cỏ, Chúa Giêsu, Thánh Giuse, Mẹ Maria và các mục đồng đang thờ phượng Ngôi Hai xuống thế làm người. Đối với loài người chúng ta, đây là một mầu nhiệm không thể hiểu thấu, vì Thiên Chúa, Đấng cao cả từ trời đã hạ sinh qua một hình hài bé bỏng đơn sơ.

Trong lúc này chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử của nhân loại để có thể hiểu được tâm tình yêu thương của người Cha trên trời đối với con cái của mình.

Kể từ khi loài người sa ngã, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng cứu thế, giải phóng con người khỏi vũng lầy tăm tối mà con người đang mắc phải. Và từ đó Thiên Chúa đã bước vào lịch sử của con người qua biến cố chọn một dân riêng, để từ đây Ngài biểu lộ lòng thương xót vô biên của mình.

Chúng ta hãy nhớ lại khoảnh khắc đen tối khi mà tội lỗi đầu tiên của con người được thực thi, lúc bàn tay của Cain, vì lòng ganh tị, đã giết chết em mình là Aben (x. St 4,8). Như thế, các thế kỷ trôi qua bị đánh dấu bởi bạo lực, chiến tranh, hận thù, áp bức”.

Nhưng Thiên Chúa, Đấng đã đáp lại những mong đợi của con người – loài đã được dựng nên giống Ngài và theo hình ảnh của Ngài – vẫn luôn chờ đợi. Ngài đã mòn mỏi chờ đợi rất lâu rằng biết đâu, vào một khoảnh khắc nào đó, con người sẽ từ bỏ lối sống này. Dù con người có không từ bỏ, Người cũng không thể chối bỏ chính mình (x. 2Tm 2,13). Vì thế, Người vẫn tiếp tục chờ đợi với sự kiên nhẫn trước những thối nát của con người và các dân tộc. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, thật khó để hiểu mầu nhiệm này. Suốt dòng lịch sử dài, ánh sáng xé tan đêm tối đã mặc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Cha và lòng trung tín của Người mạnh mẽ hơn bóng tối và sự thối nát.

“Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1).

Lời của Tiên tri Isaia nay đã được thực hiện cụ thể qua Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thực vậy, trong khi các mục đồng đang say ngủ cùng với đoàn súc vật của mình thì “vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng” (Lc 2,9). Trong đêm tối của trái đất từ trời đã xuất hiện một ánh sao. Đây là điều mà thánh Phaolô đã gợi ý trong bài đọc thứ hai, ngài nói : “ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ”. Ân sủng của Thiên Chúa, “đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2,11), đã bao trùm cả thế giới đêm nay. Ân sủng đó chính là tình yêu của Thiên Chúa. Trong đêm nay tình yêu của Thiên Chúa đã tỏ ra cho chúng ta thấy: đó là Chúa Giêsu. Nơi Chúa Giêsu, Đấng tối cao đã trở nên bé nhỏ, để được chúng ta yêu thương. Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã trở nên một Hài nhi, để được chúng ta bồng ẵm.

Đất với trời se chữ đồng: Tội lỗi và ân sủng đã gặp nhau

Thánh Phaolô nói: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20). Bài hát Đêm Thánh nổi tiếng của Franz Xaver Gruber mà chúng ta vẫn thường hát mỗi năm đã diễn tả không sai chút nào về tội lỗi và ân sủng. Đúng vậy, đêm nay là đêm hồng phúc, đêm mà đất với trời gặp nhau. Nguồn ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ dạt dào trên bóng đêm của tội lỗi. Nguồn ánh sáng chan hòa đã chiếu soi những tháng ngày cơ cực khốn cùng của loài người.

Ân sủng ngập tràn nhưng không phải ai cũng có thể đón nhận ân sủng. Trong đêm nay, nơi hang đá đêm đông chỉ có Cha Mẹ của Người, các mục đồng và đoàn súc vật xung quanh để thờ lạy Người.

Vào thời Chúa Giêsu (kể cả hôm nay), các mục đồng là những người thấp hèn. Họ là “những người khiêm nhường trong lòng, sống với ý thức về sự thiếu thốn của mình và vì lý do này mà họ tin cậy vào Thiên Chúa hơn vào người khác” (GH Phanxicô). Họ đã sẵn sàng đi tìm gặp Chúa sau khi nghe lời loan báo của sứ thần. Khác với những bậc quyền thế, trọng vọng, chỉ biết sống cho chính mình, khép kín và tự mãn, vì vậy mà họ không hề hay biết hoặc không thể chấp nhận Đấng Cứu Thế nhập thể làm người qua một con người bé bỏng, đơn sơ.

Tại Bêlem đêm nay, Chúa chọn sự khiêm nhường để biểu lộ chính mình. Kiêu căng, ngạo mạn, ích kỷ là nguồn gốc của những rắc rối và bất hạnh của con người.

Tại Bêlem đêm nay, Chúa chọn sự nghèo khó. Thật không may, con người khiến cuộc sống mình trở thành một cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ về tiền bạc, quyền lực và thành công. Tất cả những điều này không làm cho chúng ta tự do mà biến mình thành nô lệ.

Tại Bêlem hôm nay, Chúa chọn sự hiền lành. Hài nhi Giêsu bị từ chối, bị bách hại. Thật không may, loài người tin rằng bạo lực, quyền thế, có thể giải quyết được mọi vấn đề của mình.

Và cũng tại Bêlem đêm nay, chỉ có những người thiếu thốn, thấp hèn, khiêm nhường mới mở lòng thực sự để đón nhận ân sủng từ Thiên Chúa.

“Chỉ có sự khiêm nhường mới là con đường dẫn đến Thiên Chúa, và đồng thời, một khi nó dẫn chúng ta đến Thiên Chúa thì nó cũng đưa chúng ta đến với điều cốt yếu của cuộc sống, đến với ý nghĩa chân thật nhất của nó, đến với lý do khả tín nhất qua đó cho thấy tại sao cuộc sống này thực sự đáng sống .

Chỉ có sự khiêm nhường mới mở ra cho chúng ta kinh nghiệm về chân lý, về niềm vui đích thực, về tri thức có giá trị. Không có khiêm nhường chúng ta “bị cắt lìa”; chúng ta bị cắt lìa khỏi sự hiểu biết về Thiên Chúa và nhận thức về chính mình” (ĐTC Phanxicô).

Trong đêm thánh này hang đá Bêlem nhắc nhở chúng ta nhớ rằng Chúa Giêsu đi vào cuộc sống cụ thể của chúng ta. Chiêm ngắm hình ảnh của Hài nhi bé nhỏ trong máng cỏ đêm nay để biết được mình phải làm gì. Xin Chúa Giêsu Hài đồng ban cho chúng ta ân sủng, để chúng ta biết mở rộng tâm hồn đón nhận món quà tuyệt vời là Ngôi Hai nhập thể làm người, để biến đổi chính mình, biết sống như lời thánh Phaolô đã nói : “Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này”.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn