Các nhân chứng của Chúa được tỏa sáng nhờ ánh sáng của Chúa Giêsu

Sáng 22/12/2020, chia sẻ với cộng đoàn các tín hữu qua phương tiện truyền thông xã hội ngày lễ kính thánh Stêphanô, ĐTC cho biết "các chứng nhân được tỏa sáng nhờ ánh sáng của Chúa Giêsu. Họ không có ánh sáng của riêng mình". Ngài nói tiếp: Thánh Stêphanô vô tội, nhưng ngài trở thành nạn nhân của lòng thù hận. Trong khi đón nhận những viên đá của lòng thù ghét, ngài trao ban ánh sáng của Chúa Kitô cho những kẻ giết mình bằng cách cầu nguyện và tha thứ cho họ. Dưới đây là nguyên văn bài chia sẻ của Đức Thánh Cha:



Anh chị em thân mến

Hôm qua bài Tin mừng nói về Chúa Giêsu là “Ánh sáng đích thực” đã đến trong thế gian, ánh sáng “chiếu soi trong đêm tối” và “bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,9.5). Hôm nay chúng ta thấy thánh Stêphanô, chứng nhân của Chúa Giêsu, tỏa sáng trong bóng đêm. Các chứng nhân tỏa sáng bằng ánh sáng của Chúa Giêsu, họ không có ánh sáng của riêng mình. Cả Giáo hội cũng không có ánh sáng của mình; vì vậy, các giáo phụ xưa kia đã gọi Giáo hội là “mầu nhiệm mặt trăng”. Giống như mặt trăng không có ánh sáng của riêng mình, các nhân chứng không có ánh sáng của mình, họ có khả năng lấy ánh sáng của Chúa Giêsu và chiếu tỏa trên họ. Thánh Stêphanô bị buộc tội và bị ném đá dã man, nhưng trong bóng đêm của ghen ghét, trong sự đau đớn bị ném đá đó, thánh nhân đã làm cho ánh sáng của Chúa Giêsu được rạng tỏ. Giống như Chúa Giêsu trên thánh giá, ngài cầu nguyện cho những kẻ giết ngài và tha thứ cho họ. Ngài là vị tử đạo đầu tiên, là chứng nhân tiên khởi, người đầu tiên của một nhóm anh chị em, cho đến tận hôm nay, vẫn đang tiếp tục mang ánh sáng vào trong bóng tối: Họ là những người đáp lại sự dữ bằng sự thiện, không nhượng bộ cho bạo lực và gian trá, nhưng đã phá vỡ vòng xoáy hận thù bằng sự dịu dàng của tình yêu. Các chứng nhân này đã thắp lên ánh bình minh của Thiên Chúa vào trong bóng đêm của thế giới.

Nhưng làm thế nào để trở thành những nhân chứng? Bằng cách bắt chước Chúa Giêsu, lấy ánh sáng từ nơi Ngài. Đây là phương cách dành cho người Kitô hữu hôm nay: bắt chước Chúa Giêsu, lấy ánh sáng từ nơi Chúa. Thánh Stêphanô đã đem lại cho chúng ta một mẫu gương: Chúa Giêsu đã đến để phục vụ không phải để được phục vụ (x. Mc 10, 45), và Ngài sống để phục vụ chứ không để được phục vụ, Ngài đến để phục vụ. Stêphanô đã được chọn làm phó tế, trở thành phó tế, nghĩa là người phục vụ, ngài phục vụ bàn ăn cho người nghèo (x. Cv 6,2). Thánh nhân đã cố gắng noi gương Chúa mỗi ngày và đã làm như vậy cho đến chết: giống như Chúa Giêsu bị bắt, bị kết án và bị giết chết ngoài thành. Giống như Chúa Giêsu, thánh nhân đã cầu nguyện và tha thứ. Trong khi bị ném đá, thánh nhân nói: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Stêphanô là chứng nhân vì đã bắt chước Chúa Giêsu. 

Tuy nhiên ở đây có thể nảy sinh một câu hỏi: những lời chứng về lòng nhân hậu có thực sự cần thiết trong khi sự dữ lan tràn trên khắp thế giới? Cầu nguyện và tha thứ có ích gì? Chỉ đem lại một gương lành thôi sao? Có tác dụng gì không? Chẳng thêm được gì cả. Chúng ta khám phá nó qua một chi tiết. Trong số những người mà Stêphanô đã cầu nguyện và tha thứ, bản văn có đề cập đến “một người thanh niên, gọi là Saolô” (c. 58), đã “tán thành việc giết Stêphanô” (8, 1). Không lâu sau đó, nhờ ơn Chúa, Saolô đã hoán cải, đón nhận ánh sáng của Chúa Giêsu; chấp nhận ánh sáng, được hoán cải, và trở thành Phaolô, trở thành nhà truyền giáo vĩ đại của lịch sử. Phaolô được sinh ra thực sự nhờ ân sủng của Thiên Chúa, nhưng qua sự tha thứ của Stêphanô, qua chứng từ của Stêphanô. Đây là mầm mống đối với sự hoán cải của Phaolô. Đó là bằng chứng cho thấy những cử chỉ yêu thương đã biến đổi lịch sử: kể cả những điều nhỏ bé nhất, kín đáo và thường ngày. Vì Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử qua sự can đảm khiêm nhường của những người cầu nguyện, yêu thương và tha thứ. Tất cả các vị thánh ẩn dật, cạnh nhà, âm thầm trong cuộc sống, họ làm thay đổi lịch sử bằng những cử chỉ yêu thương nhỏ bé.

Trở thành chứng nhân cho Chúa Giêsu cũng áp dụng cho chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta làm cho cuộc sống thành phi thường bằng những cử chỉ bình thường, qua những cử chỉ thường ngày. Ở bất cứ nơi nào chúng ta sống, trong gia đình, nơi công sở, chúng ta đều được mời gọi trở thành những chứng nhân của Chúa Giêsu, đem lại ánh sáng dù chỉ là một nụ cười, ánh sáng đó không phải là của chúng ta mà là của Chúa Giêsu, thậm chí chỉ chạy trốn khỏi những lời đàm tiếu, nhảm nhí. Và sau đó, khi chúng ta thấy điều gì đó không ổn, thay vì chỉ trích, nói xấu và phàn nàn, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người sai lỗi và những người đang trong hoàn cảnh khó khăn. Và khi gia đình nảy sinh cuộc thảo luận, thay vì cố chiếm ưu thế, chúng ta hãy cố gắng hạ nhiệt; và bắt đầu trở lại, bằng cách tha thứ cho những ai xúc phạm chúng ta. Những điều nhỏ nhặt nhưng làm thay đổi lịch sử, vì nó mở ra cánh cửa cho ánh sáng của Chúa Giêsu. Thánh Stêphanô, đang khi đón lấy những viên đá hận thù, ngài đã đáp lại bằng sự tha thứ. Và như vậy ngài đã thay đổi lịch sử. Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng có thể biến sự dữ thành sự thiện mỗi ngày, giống như một câu trong dụ ngôn : “Hãy làm giống như cây cọ, hãy ném đá vào nó và nó sẽ cho bạn quả chà là”.

Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những người bị bắt bớ vì danh Chúa Giêsu. Họ rất đông, nhiều hơn con số của Giáo hội thuở ban đầu. Chúng ta phó thác cho Đức Mẹ những anh chị em này, những người đáp trả sự áp bức bằng sự hiền dịu, và như những chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu, chiến thắng sự dữ bằng sự thiện. ​

Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC nói:

Anh chị em thân mến,

Mến chào tất cả anh chị em, các gia đình, các hội nhóm, và mỗi tín hữu đang theo dõi giờ cầu nguyện qua các phương tiện truyền thông xã hội. Chúng ta phải làm như vậy để tránh mọi người đến quảng trường. Làm như vậy cũng là để cộng tác với những sắp xếp do chính quyền đưa ra, nhằm giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch này.

Trong bầu khí vui mừng của lễ giáng sinh được kéo dài hôm nay, vẫn còn tràn ngập trong tâm hồn chúng ta, khơi dậy nơi mọi tín hữu niềm khát khao được chiêm ngắm Chúa Giêsu trong hang đó, để rồi yêu mến và phục vụ Ngài nơi những người thân cận chúng ta. Trong những ngày này tôi đã nhận được những lời chúc tốt đẹp từ Rôma và từ khắp nơi trên thế giới. Không thể trả lời cho hết mọi người, nhưng nhân dịp này tôi muốn tỏ lòng biết ơn của tôi, đặc biệt là món quà cầu nguyện mà anh chị em đã làm cho tôi.

Mừng lễ thánh Stêphanô, xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. ​

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn