Và Thiên Chúa đã tạo ra Darwin

Thần học gia Stephen Pope cho biết : tiến hóa không chỉ dành riêng cho các nhà khoa học… 



Vào tháng này 200 năm trước (12/02/1809), khi Charles Darwin chào đời, chẳng ai có thể dự đoán được rằng cuốn Nguồn gốc Các loài (1859) của ông không chỉ tác động tới khoa học mà còn lên cả tôn giáo. 

“Cái tên Darwin là biểu tượng cho một sự thay đổi lớn trong hiểu biết của chúng ta”, Stephen Pope, Giáo sư Đại học Boston đã phát biểu trong một buổi nói chuyện gần đây tại Đại học Dominican ở River Forest, Illinois. “Thay vì có nguồn gốc từ cặp đôi nguyên tổ được Thiên Chúa đặc biệt tạo ra khoảng 10.000 năm trước, giờ đây chúng ta xem giống loài của mình là kết quả của một dòng chảy tiến hóa đã diễn ra ít nhất 4 tỷ năm”. 

Nhưng đối với nhiều người Công giáo, khoa học và đức tin thường là đối thủ cạnh tranh, và đôi khi thậm chí giáo huấn chính thức của Giáo hội cũng không đặt chúng với nhau một cách tương xứng. 

“Có một cách nói về giáo lý đức tin Kitô giáo mà không xem Ađam và Evà như những nhân vật lịch sử”, Pope nói. “Nhưng ngay lúc này, chúng ta có một trường phái thần học tương tự, với những tuyên bố chính thức thừa nhận tiến hóa dù Giáo lý hoàn toàn phớt lờ”. 

Cho dù vậy, Pope nói, trách nhiệm chung cục thuộc về cá nhân mỗi tín hữu trong việc nối kết đức tin và khoa học cho bản thân. “Tất cả chúng ta đều có bổn phận đào sâu đức tin của mình”, ông nói. “Tôi không nói rằng mọi người nên là người theo thuyết Darwin hay nên là một thần học gia, nhưng tôi nghĩ rằng luôn có một lời mời gọi mọi người nghiêm túc hơn với đức tin và trở nên những con người lý trí hơn”. 

Tại sao người Công giáo nên quan tâm đến Charles Darwin? 

Hiện nay, các lý thuyết của Darwin về cách sự sống tiến hóa cung cấp lời giải thích mạnh mẽ và thuyết phục nhất về việc con người xuất hiện như thế nào. Tôi nghĩ những người Công giáo nên đọc về Darwin để hiểu chúng ta là ai trong bản chất sinh học của mình, bao gồm cả một số năng lực mà chúng ta sở hữu để đáp lại Thiên Chúa trong đời sống của mình. 

Tuy vậy, hơn 40% công chúng ở Mỹ tin rằng nhân loại như chỉ một giống loài 10.000 năm tuổi, và bạn hẳn tính được rằng ít nhất một phần tư trong số họ là những người Công giáo. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy có đến 79% người Công giáo ở Florida bỏ phiếu để lớp học không dạy về tiến hóa. 

Điều này bất chấp thực tế Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chính thức xác nhận “tiến hóa không chỉ là một giả thuyết”. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng bác bỏ cuộc tranh luận xem tiến hóa như “một điều ngớ ngẩn”, đi ngược lại “nhiều bằng chứng khoa học ủng hộ thuyết tiến hóa, xuất hiện như một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận và làm phong phú sự hiểu biết của chúng ta về sự sống và hiện hữu theo nghĩa thông thường”. 

Tuy nhiên, vượt xa giá trị khoa học của tiến hóa, về mặt thần học, người Công giáo xem thế giới như sự biểu lộ mang tính bí tích của tình yêu Thiên Chúa. Thế giới tự nó là một biểu tượng của ân sủng và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Thế giới là nhà của chúng ta, và thông qua đó, chúng ta được trao ban những cơ hội để tiến bước về phía Thiên Chúa. Việc chúng ta hiểu được những chức năng của tạo dựng thật quan trọng biết bao. 

Ông có nghĩ rằng người Công giáo đã nối kết tiến hóa vào trong hiểu biết của họ về đức tin hay chưa?

Những người Công giáo, cũng như các Kitô hữu nói chung, có khuynh hướng tách bạch thế giới của mình thành nghề nghiệp, nhà thờ, việc chơi golf… và thường không kết nối những điều ấy lại. 

Darwin đòi hỏi chúng ta kết hợp tất cả các phần khác nhau của cuộc sống và suy nghĩ về cách chúng ta liên kết với người khác như những thành viên của cùng một loài. Ông đòi hỏi chúng ta hãy nhìn trở lại để khám phá điểm xuất phát của mình. Ông đòi hỏi chúng ta hãy nhìn vào chính bản thân giờ đây trong tư cách thành viên của một loài đang phát triển nhanh chóng và gây ra thiệt hại cho hành tinh này bởi đời sống tắc trách. Và ông đòi hỏi chúng ta hãy nhìn về phía trước, vì nếu chúng ta vô trách nhiệm với tương lai, loài người sẽ càng gặp thương tổn và có khả năng bị xóa sổ bởi những thảm họa môi trường ngày một chồng chất. 

Thuyết tiến hóa và Kitô giáo thường có mối quan hệ căng thẳng. Các tín hữu phản ứng với Darwin như thế nào? 

Đối với tiến hóa, các Kitô hữu có một số cách tiếp cận khác nhau. Đầu tiên là chiến lược loại trừ, hướng đến việc khẳng định rằng tôn giáo có thẩm quyền hàng đầu đối với chúng ta, và thông tin về tiến hóa hoặc không liên quan hoặc là mối đe dọa. Tất nhiên, những người theo chủ nghĩa duy cơ yếu thẳng thừng bác bỏ tiến hóa. Nếu những miêu tả của sách Sáng thế về tạo dựng không chính xác về mặt lịch sử, họ lo sợ mặc khải sẽ sai lầm. Trong trường hợp đó, Thiên Chúa, Đấng chỉ mặc khải sự thật, không phải là tác giả của Kinh thánh. 

Lập trường tiếp theo phổ biến hơn nơi người Công giáo, đó là sự tránh né. Cách tiếp cận này cho rằng tiến hóa có thể đúng, nhưng tôi chẳng bận tâm gì với nó. Điều này đôi khi bắt nguồn từ quan niệm cho rằng sinh học chỉ dành cho các nhà khoa học: Tôi biết mình mang gen di truyền rồi, giờ hãy bàn chuyện khác. 

Có gì không ổn với suy nghĩ trên? 

Né tránh đối với những người thực sự bận rộn đôi khi là chuyện cực chẳng đã. Nhưng thật tồi tệ nếu nó biến thành kiểu xử sự cầu toàn đối với những người có tự do để suy tư nhiều hơn. 

Tôi nghĩ rằng, chiến lược né tránh vấn đề thực ra là một hành vi đáng xấu hổ. Hết sức vô lý khi có nhiều người Công giáo không tin vào tiến hóa, và đó là một tai tiếng đối với những người học thức và như một hệ lụy, họ nghĩ rằng đức tin Kitô giáo thật trẻ con. Một số tín hữu đem đến ấn tượng rằng bạn phải lựa chọn giữa trí tuệ, học vấn hoặc lòng trung thành. Bạn chẳng cần lựa chọn, và thực tế, lý trí cùng đức tin luôn đồng hành. Điều này bổ túc cho điều kia. 

Đồng thời, thật khó hiểu khi thấy những bài diễn thuyết của giáo hoàng và những tài liệu có thẩm quyền của Giáo hội, bao gồm cả Giáo lý, tiếp tục nói về Ađam và Evà như là những nhân vật lịch sử, về Vườn Địa đàng như là nơi con rắn đã trò chuyện cùng người nữ, và về cuộc trục xuất lịch sử khỏi chốn thiên đường ấy. 

Vậy những tín hữu có lý trí nên theo lập trường của Darwin chăng? 

Chiến lược thứ ba kêu gọi sự cộng tác. Về mặt thần học, một số Kitô hữu chấp nhận một cái nhìn tiến hóa về cuộc sống như thể hướng về tương lai, cởi mở, đổi mới và sáng tạo. Không hề cứng đọng, thế giới luôn là một quá trình liên quan đến việc thích nghi và thay đổi. Tiến hóa trở nên kiểu mẫu chính cho việc suy tư về thế giới, và Darwin có vẻ là đồng minh của những người tin vào lý lẽ ấy, đặc biệt trong hình thức trí tuệ của khoa học và trong hình thức chính trị của nền dân chủ, chúng cùng cung cấp nền tảng cho tiến bộ đương đại. 

Nhưng có mối nguy hiểm về mặt luân lý trong cách tiếp cận này khi không có bất kỳ một ý thức nào về các giới hạn, với kỹ thuật gen và những hình thức khác của công nghệ sinh học chẳng hạn. Việc tiếp nhận mù quáng thuyết tiến hóa Darwin và chủ nghĩa tân thời, thứ chủ nghĩa thúc đẩy việc phụ thuộc vào kỹ nghệ, dẫn đến nguy hiểm kép, một mặt gây biến chất tận gốc căn tính Kitô giáo, mặt khác làm mất cảm thức về những giới hạn luân lý cần có đối với công nghệ. Đó là một lối tiếp nhận cho rằng chúng ta phải kiểm soát bản thân sự tiến hóa và hướng chúng theo ý mình. 

Có cách tốt hơn để đồng thời nói về cả đức tin lẫn tiến hóa? 

Tôi xem cách thức ấy là một sự “tiếp nhận có phê phán”, một cố gắng để hiểu rõ học thuyết Darwin hầu làm tăng triển đức tin chứ không phải ngược lại. Về mặt thần học, tôi cho đáp án này là thuyết hữu thần tiến hóa, một quan điểm xem tiến hóa là cách thức Thiên Chúa tạo ra thế giới.

Điều đó ngược lại với hai lập trường sau đây. Sáng tạo luận nói rằng Thiên Chúa tạo ra thế giới giống như mô tả trong chương đầu sách Sáng thế; còn cách giải thích của Darwin thì sai lầm. Một hình thức cực đoan khác là quan điểm của chủ nghĩa duy nhiên, cho rằng tiến hóa là kết quả của một vụ nổ lớn hoàn toàn vô chủ ý, một biến cố chẳng có lý do rõ ràng. 

Thiên Chúa can hệ đến quá trình tiến hóa như thế nào? 

Trước tiên, Thiên Chúa tác động đến tiến trình tự nhiên bởi Ngài là nguyên nhân của tất cả những gì tồn tại vào bất kỳ thời điểm nào. Tiếp đến, Thiên Chúa sáng tạo ra những điều kiện để dẫn dắt vũ trụ, các thiên hà và cả sự tiến hóa của sự sống. 

Điểm thứ ba xuất phát từ luật tự nhiên, là những chuẩn mực được quy gán cho Thiên Chúa, Ngài là tác giả của điều mà các thần học gia và khoa học gia gọi là “đột sinh”. Trải qua thời gian, những loài sinh vật nhất định sẽ phát triển, và rồi chúng tạo ra hoàn cảnh cho sự phát triển của những sinh vật nhất định cao cấp hơn, cuối cùng đưa đến trí tuệ và tình yêu. Theo nghĩa đó, các quy luật tự nhiên được tổ chức để làm phát sinh những sinh vật có trí tuệ và tình yêu, là những hữu thể có khả năng yêu mến Thiên Chúa và đồng loại. 

Thế còn sự chăm sóc và tình yêu cá vị của Thiên Chúa dành cho thế giới? 

Chúng ta cũng phải đề cập đến sự quan phòng của Thiên Chúa. Sự quan phòng là cách thế mà quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa tác động lên những sự kiện ngẫu phát trong tự nhiên và lịch sử hầu uốn nắn chúng trở nên tốt đẹp hơn. Sự quan phòng của Thiên Chúa không phải là đối tượng cho các nghiên cứu khoa học. 

Đời sống Kitô hữu thực sự là một sự đáp trả trước sự quan phòng của Thiên Chúa. Được cụ thể hóa trong hành động cá nhân, nhưng sự đáp trả ấy cũng hoạt động trong những môi trường tập thể. Chúng ta có thể nhắc đến quyền công dân ở Mỹ, hay phong trào hòa bình ở Bắc Ailen. Bất cứ nơi đâu chúng ta gặp thấy điều thiện hảo nảy sinh từ sự dữ, tôi cho rằng chúng ta có lý để nói đấy là sự quan phòng của Thiên Chúa. 

Điều đó không có ý nói sự quan phòng luôn giống với việc thắng trận tranh siêu cúp bóng bầu dục – hết giờ và chúng ta đã thắng, nhiệm vụ hoàn thành. Điều đó thật phức tạp, nhưng chúng ta không thể không nhắc đến quan phòng khi nói về công trình của Thiên Chúa qua dòng tự nhiên và lịch sử. 

Thế giới quan của thuyết tiến hóa giải quyết vấn đề đau khổ và sự dữ như thế nào? 

Bản thân Darwin được nuôi dạy như một người Anh giáo truyền thống, nhưng dần dà ông trở nên người theo tự nhiên thần giáo hay bất khả tri. Ông thậm chí nhận thấy không thể xác nhận các giáo lý truyền thống về sự thiện hảo, toàn năng và quan phòng của Thiên Chúa trong tình trạng của một thế giới tự nhiên đầy dẫy đau đớn, sát hại, giết chóc và thống khổ. 

Thiên Chúa Cha có thể đếm được số tóc trên đầu chúng ta, nhưng điều đó có nghĩa lý gì? Thiên Chúa chăm sóc nhưng Ngài có ngăn chặn việc những người vô tội liên tục bị sát hại? 

Trong thực tế, đối với nhiều người theo trường phái tân Darwin, các Kitô hữu thật phi lý trong việc đặt trọn niềm tin của mình vào vị Thiên Chúa mà những người ấy tin rằng Ngài đã thiết lập và điều khiển toàn bộ hệ thống tự nhiên để chúng hoạt động theo một chu trình tàn nhẫn đầy chết chóc và hủy diệt. 

Dường như họ đúng một điểm. 

Tôi nghĩ rằng con người có khuynh hướng muốn tránh né việc đối diện với sự dữ. Nó thật đáng sợ, làm nản lòng và có thể đưa đến tuyệt vọng. 

Darwin bắt chúng ta đối diện với sự dữ. Đây là một điều tốt vì nó thúc đẩy chúng ta sống thực tế. Chúng ta đọc Thánh vịnh 23, viết rằng dầu qua thung lũng âm u của sự chết chúng ta cũng chẳng cần sợ nguy khốn, có Chúa là mục tử nhân lành, chúng ta cứ vững dạ an lòng. Thế rồi, đứa trẻ nhà chúng ta mắc ung thư, và điều này hoàn toàn phá đổ đức tin của chúng ta. 

Nhưng bạn tin vào vị Thiên Chúa nào? Bạn có nghĩ Thiên Chúa sẽ không để con bạn mắc ung thư, bị bắn, gặp tai nạn hay nhiễm AIDS? Thật ngây thơ khi nghĩ rằng Thiên Chúa tạo ra một lớp màng bảo vệ bao quanh bạn. Hoàn toàn vô trách nhiệm khi chối bỏ sự dữ. 

Chúng ta phải biết ơn Darwin vì đã thúc bách chúng ta nhìn vào thực tế của sự dữ, có như vậy, chúng ta mới càng chuyên chú và biết ơn hơn đối với ân sủng nhận được. 

Niềm tin vào quyền năng thánh thiêng là một sự trông cậy tuyệt đối vào sự chắc chắn của sức mạnh tình yêu Thiên Chúa ở giữa khổ đau nhân loại. Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, danh xưng này của Hài nhi Giêsu thật phù hợp với những ơn lành lớn lao cũng như những thất vọng, thử thách, nỗ lực của chúng ta trong cuộc sống. 

Con người hiện đại chúng ta có xu hướng nghĩ rằng cái chết là sự dữ tột đỉnh. Nhưng đối với các Kitô hữu, cái chết là một sự dữ tương đối. Những sự dữ xấu xa nhất là những sự dữ luân lý, trong đó chúng ta là những kẻ có ý thức và tự do hãm hại người khác mà không cần biện minh, trong đó chúng ta gây ra bạo lực cho những người không đáng phải chịu, là đau khổ của người vô tội mà chính chúng ta can phần. 

Phần nhiều sự tổn hại và sự hủy diệt của nhân loại mà chúng ta đổ lỗi cho thiên nhiên lại có nguyên nhân từ bất công xã hội. Khi cơn lũ xóa sạch một ngôi làng, chúng ta ái ngại cho những người phải sống tại vùng ngập lụt ở Bangladesh, nhưng tại sao họ buộc phải sinh sống ở đấy? 

Tại sao người ta có thể sinh sống được tại phường Chín thành phố New Orleans, nơi thấp hơn cả mực nước biển? Bão Katrina không hẳn là một thảm họa tự nhiên nhưng điều càng tồi tệ hơn nữa là bất công và tham nhũng, là phân biệt chủng tộc và bóc lột kinh tế. Tại sao có nhiều người đang chết ở Phi châu vì AIDS trong khi chẳng có bao nhiêu tại San Francisco, New York hay Los Angeles? Đó là một hậu quả khác của bất công xã hội. 

Chẳng có lời giải thích rốt ráo nào cho vấn đề sự dữ. Thách thức chính nằm ở cách chúng ta phản ứng lại với sự dữ ấy. 

Còn về những đau khổ cá nhân của chúng ta? 

Darwin giúp chúng ta suy tư trong một bối cảnh sinh học tổng quát nhất có thể khi chúng ta chất vấn tại sao những điều xấu lại xảy đến cho người tốt. Không có thứ gọi là quả báo và không phải bất kỳ việc gì bạn làm cho người khác cũng xảy ra lại với chính bạn sau đó. Cũng chẳng phải Thiên Chúa đang phạt nhãn tiền những kẻ tội lỗi. Chúa Giêsu đã bác bỏ nhãn quan ấy, nhưng vẫn còn nhiều người Công giáo tin như vậy. 

Một học trò của tôi có cô bạn cùng phòng mắc chứng bệnh rụng tóc. Căn bệnh không thuốc trị, và cô gái bị tra tấn bởi nghi vấn mình đã làm gì để phải lãnh hậu quả này. Cô liên tục xét lại một số lỗi lầm lớn trong quá khứ. Bằng cách nào đó, cô chấp nhận ý tưởng rằng Thiên Chúa thật công minh, và nếu bạn bị trừng phạt nghĩa là bạn bị trừng phạt cách công bằng. Đây là một ý tưởng phi Kitô. 

Cách tiếp cận này đối với trật tự đạo đức của thế giới khiến những người nghèo khổ phải trả giá đắt nhất. Khi những người thành đạt nhìn vào họ, những người ấy nói rằng họ đáng phải nhận như thế. Họ lười biếng hoặc ngu ngốc, họ xứng đáng bị vậy. 

Darwin giúp chúng ta không cá nhân hóa quá mức sự đau khổ hay luân lý hóa bệnh tật. Tôi nghĩ đó là điều rất hữu ích. Ông giúp chúng ta đối diện với đau khổ như một thực tế của thế giới tự nhiên. 

Tiến hóa có ảnh hưởng lên cách chúng ta nhìn nhận bản thân như là con người? 

Tiến hóa làm cho hiểu biết của chúng ta về việc chúng ta là ai trở nên phức tạp hơn. Chắc hẳn cuộc sống trong thế kỷ 21 khiến chúng ta cảm thấy ít chắc chắn hơn về việc chúng ta là ai và sẽ đi về đâu. Đó là lý do chủ nghĩa duy cơ yếu hấp dẫn đến vậy. Chủ nghĩa ấy cho rằng chúng ta có thể chắc chắn về điều chúng ta cần khẳng định trong đức tin và cách chúng ta cần sống. 

Thay thế quan điểm tiến hóa, chúng ta có thể lấy lại cách hiểu cũ về con người, cơ bản chỉ là một linh hồn trong một thân xác. Chúng ta đưa ra lựa chọn trong cuộc sống: Nếu chọn đúng, chúng ta có sự sống đời đời làm phần thưởng, còn nếu chọn sai, chúng ta sa hỏa ngục. Điều đó rất rõ ràng. Và đối với nhiều người, danh sách những việc bạn có thể làm rồi đưa bạn sa hỏa ngục có rất nhiều. 

Giờ đây, chúng ta nghĩ về con người như một hữu thể rắc rối hơn, về tội lỗi đôi khi khó xác định hơn. Chúng ta thừa nhận những hành vi của chúng ta phụ thuộc và được điều chỉnh bởi nhiều yếu tố mà chúng ta không thể kiểm soát. Chúng ta cần hạn chế phần nào sự xét đoán, và được mời gọi để đối xử với người khác theo lòng thương xót. 

Theo Darwin, bản chất con người là tốt hay xấu? 

Nhãn quan theo học thuyết Darwin cho rằng con người cơ bản là vị kỷ, nhưng họ có thể học hỏi để biết yêu thương người thân và bạn bè trong hoàn cảnh phù hợp. Darwin nghĩ rằng giáo hội có lợi thế vì đó là nơi tốt nhất để giúp chúng ta trở nên vị tha hơn. 

Tuy nhiên, ông cũng nhận thức sâu sắc về những hạn chế có trong bản tính con người liên quan đến lòng vị tha của chúng ta dành cho người xa lạ, ngoài cuộc hay kẻ thù, và ông nghĩ rằng thật sai lầm khi hy vọng mọi người có lòng vị tha hơn mức họ có thể. Chúng ta có thể là người Samari nhân hậu đối với anh em, họ hàng hay hàng xóm, nhưng với người lạ thì hoàn toàn không. Darwin thông cảm với lý do tại sao vị tư tế và thầy Lêvi bỏ đi dù thấy người đàn ông nằm bên vệ đường trong đoạn dụ ngôn trên. 

Darwin có thể trợ giúp chúng ta trong việc diễn tả một khía cạnh của bản tính con người, nhưng đó không phải là một sự cung cấp đầy đủ chuẩn mực đạo đức cho các Kitô hữu. Những người theo thuyết Darwin cho rằng người ta chỉ có thể sống được trong các cộng đồng đạo đức khác nhau. Một số trong đó là liên hợp các cá nhân bị mắc kẹt trong xung đột triền miên như chúng ta thấy tại những nước yếu kém như Somalia. 

Đó quả là một thách thức thực sự đối với cộng đồng mà chúng ta muốn phát triển. Có cách nào chắc chắn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các chính sách thúc đẩy tình hữu nghị, cùng sự phát triển hướng đến tất cả mọi người chứ không chỉ dành cho một số thành viên trong cộng đồng? 

Ông viết về sự liên đới như là sự đáp trả cốt yếu của Kitô hữu đối với Darwin. Tại sao? 

Darwin bị gắn với chủ nghĩa cá nhân, cạnh tranh, và bóc lột kẻ yếu – một sự chọn lọc tự nhiên. Điều này thường thể hiện qua đạo đức của kẻ mạnh, loại đạo đức được thứ văn hóa đầy tính cá nhân của chúng ta lựa chọn. Dù làm nảy sinh một số điều tốt, nhưng nó cũng rất vô tâm và tàn nhẫn, đặc biệt với những người dễ bị tổn thương và nằm bên lề xã hội. 

Tôi nghĩ rằng thách thức của đạo đức Kitô giáo hậu Darwin thực sự là thách thức của tình liên đới. Chúng ta phát triển năng lực chăm sóc người khác ra sao? Làm sao chúng ta xây dựng những cộng đoàn mà không ai bị loại trừ? Làm sao chúng ta có thể tiếp cận với những người ở bên lề xã hội trong khi chúng ta liên tục được yêu cầu hãy chăm sóc bản thân? Làm sao chúng ta đồng cảm được với những người không giống mình, những người khác màu da, khác địa vị kinh tế, khác học thức, ngôn ngữ? 

Darwin lập luận rằng chúng ta có khuynh hướng chia mọi người thành “chúng ta” và “bọn họ”. Chúng ta đối xử tốt với nhóm “chúng ta”, lợi dụng hoặc bảo vệ bản thân khỏi “bọn họ”. Thời tôi còn bé, chúng tôi, những người Mỹ chống lại những người Cộng sản, những người từng đánh đổ nhóm Nazi. Còn hiện giờ, chúng ta lại đương đầu với các nhóm khủng bố. 

Rất nhiều quy chuẩn đạo đức Kitô giáo trong Tân Ước liên quan đến việc phá bỏ những rào cản tạo ra sự vô cảm hoặc bóc lột người khác. Dụ ngôn người Samari nhân hậu là một trường hợp như thế. Người Samari vốn nằm phía đối nghịch, nhưng trong câu chuyện, anh ta lại là ví dụ điển hình cho lòng trắc ẩn đối với tha nhân. 

Làm sao để tạo ra sự liên đới như vậy? Đấy là thách thức cho Giáo hội: phát triển các cộng đồng để chúng không chỉ là những thể chế nhưng còn là nơi mà mọi người cảm thấy mình thuộc về, là nơi để học hỏi và thăng tiến bản thân trong đức tin, là nơi mà mọi thành viên đồng cảm với cộng đồng và với cách sống của chính cộng đồng ấy. 

Tình yêu sẽ giúp hình thành nên một cộng đồng bình đẳng. Chẳng phải chúng ta cần đến một công cuộc như thế hay sao? 

Tác giả: A U.S. Catholic interview 

Chuyển ngữ: Minor Greg. 

Bài viết này đã xuất hiện trong số báo tháng 2, năm 2009, tạp chí Công giáo Hoa kỳ (Tập 74, Số 2, trang 18-22).

Mới hơn Cũ hơn