Hãy mang Chúa Thánh Thần đến cho các em



Trong ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, ĐTC Phanxicô đã rửa tội cho 32 em nhỏ (17 trai và 15 gái), trong thánh lễ tại nhà nguyện sistine. 

Trong bài giảng ĐTC nhắc nhở các bậc cha mẹ điều quan trọng là dẫn dắt con cái của mình trong đời sống đức tin, chăm sóc để chúng được lớn lên trong ánh sáng, bằng sức mạnh của Thánh Thần, qua việc dạy giáo lý, giúp đỡ, dạy bảo, những gương lành mà anh chị em làm ở nhà. 

Trong buổi đọc Kinh Truyền tin tại quảng trường thánh Phêrô, ĐTC cũng không quên mời gọi các Kitô hữu biết sống tâm tình của người con hiếu thảo, để được Chúa Cha yêu thương, như Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Cha.

BÀI GIẢNG LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Giống như Chúa Giêsu đã đến để chịu Phép rửa, anh chị em hãy mang con cái của mình đến.

Chúa Giêsu trả lời Gioan: “chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15). Rửa tội cho một đứa trẻ là một hành động công chính dành cho nó. Tại sao vậy? Vì trong Bí tích Rửa tội chúng ta trao cho các em một kho tàng, trao cho các em một bảo chứng: đó là Thánh Thần. Đứa trẻ bước ra [từ Bí tích Rửa tội] với sức mạnh của Thánh Thần ở bên trong: Thánh Thần sẽ bảo vệ, giúp đỡ các em trong suốt cuộc đời. Vì thế, điều quan trọng là rửa tội cho các trẻ em, để chúng lớn lên với sức mạnh của Thánh Thần.

Đây là thông điệp mà tôi muốn gửi đến cho anh chị em hôm nay. Hôm nay anh chị em hãy dẫn dắt con cái của mình, vì bên trong chúng có Chúa Thánh Thần. Và anh chị em hãy chăm sóc để chúng được lớn lên trong ánh sáng, bằng sức mạnh của Thánh Thần, qua việc dạy giáo lý, giúp đỡ, dạy bảo, những gương lành mà anh chị em làm ở nhà... đây là thông điệp.

Tôi không muốn nói điều gì khác nữa. Chỉ là một lời cảnh báo. Các trẻ em không quen đến nhà nguyện Sistine, đây là lần đầu tiên! Chúng không quen bị đóng kín trong một môi trường hơi nóng nực. Và chúng không quen khi mặc quần áo như thế, vì một ngày lễ tuyệt vời như hôm nay. Một lúc nào đó chúng sẽ cảm thấy khó chịu một chút, và bắt đầu khóc. Buổi hòa nhạc còn chưa bắt đầu; mà có một đứa bắt đầu khóc rồi kìa, một đứa khóc thì đứa tiếp theo sẽ khóc... Nhưng anh chị em đừng sợ, hãy để chúng nó khóc hoặc la hét. Nhất là khi các em khóc và phàn nàn, có lẽ vì quá nóng: hãy cởi bớt cái gì đó ra; cũng có thể là nó đói: cứ cho nó bú, ở đây thì luôn bình an. Điều này tôi cũng đã nói năm ngoái rồi: chúng có tầm của một “ca đoàn”: khi một đứa kêu “la” thì cũng đủ cho những đứa khác bắt đầu, và sẽ tạo ra một buổi hòa nhạc. Anh chị em đừng sợ. Đó là một bài giảng hay khi những đứa trẻ khóc trong nhà thờ. Làm sao cho nó cảm thấy tốt và chúng ta cùng tiếp tục. 

Đừng quên một điều: Hãy mang Chúa Thánh Thần vào trẻ em.

KINH TRUYỀN TIN VỚI CỘNG ĐOÀN TÍN HỮU TẠI QUẢNG TRƯỜNG THÁNH PHÊRÔ

Anh chị em thân mến!

Một lần nữa tôi được hân hạnh rửa tội cho một số em nhỏ trong ngày lễ Chúa chịu Phép rửa hôm nay. Hôm nay có cả thảy 32 em. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các em và cho gia đình của chúng.

Phụng vụ năm nay trình bày cho chúng ta sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa theo trình thuật của Tin mừng Matthêô (3,13-17). Vị thánh sử mô tả cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu, người xin chịu phép rửa, và Gioan Tẩy giả, người muốn từ chối và nhận xét: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (c. 14). Quyết định của Chúa Giêsu làm cho Gioan Tẩy giả phải ngạc nhiên. Thật ra Đấng Mêsia không cần được thanh tẩy, vì chính Ngài là Đấng thanh luyện. Thiên Chúa là Đấng Thánh, đường lối của Ngài không như đường lối của chúng ta, và Chúa Giêsu là con Đường của Thiên Chúa, một con đường không thể đoán trước được. Hãy nhớ rằng Thiên Chúa là Chúa của những điều ngạc nhiên.

Gioan đã tuyên bố rằng giữa ông và Chúa Giêsu tồn tại một khoảng cách sâu thẳm, không thể lấp đầy. Gioan nói: “Tôi không đáng cởi giày cho Ngài” (Mt 3,11). Nhưng Con Thiên Chúa đến để lấp đầy khoảng cách giữa con người và Thiên Chúa. Nếu Chúa Giêsu đứng về phía Thiên Chúa, thì Ngài cũng đứng về phía con người, và qui tụ tất cả những gì đã bị chia rẽ. Vì thế, Chúa trả lời Gioan rằng: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (c.15). Đấng Mêsia xin được rửa tội, vì để giữ trọn đức công chính, để chương trình của Cha được thực hiện, qua con đường vâng phục hiếu thảo và liên kết với con người mỏng giòn và tội lỗi. Đó là con đường của khiêm nhường và rất gần gũi của Thiên Chúa dành cho con cái Ngài.

Tiên tri Isaia cũng loan báo về sự công chính của người Tôi tớ của Thiên Chúa, người thực hiện sứ mạng của mình trên thế gian với đường lối trái ngược với tinh thần thế gian: “Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi (Is 42,2-3). Đó là thái độ dịu hiền – khiêm nhường và dịu dàng đó là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta – đơn sơ, kính trọng, tiết độ, kín đáo, đó cũng là những đòi hỏi nơi người môn đệ của Chúa hôm nay. Một điều rất buồn khi thấy nhiều người môn đệ của Chúa vênh vang mình là môn đệ của Chúa. Người vênh váo không phải là người môn đệ tốt. Người môn đệ tốt là người biết khiêm nhường, nhu mì, làm điều tốt nhưng không để nhìn thấy. Trong hoạt động truyền giáo, cộng đoàn Kitô hữu được kêu mời ra đi gặp gỡ người khác, bằng cách đề nghị chứ đừng ép buộc, làm chứng và chia sẻ cuộc sống cụ thể với mọi người. 

Khi vừa chịu phép rửa ở sông Giordan, các tầng trời mở ra và Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, lúc bấy giờ từ trên cao có tiếng phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Trong ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta khám phá lại bí tích rửa tội của chúng ta. Như Chúa Giêsu là người con yêu dấu của Chúa, cũng vậy, chúng ta được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, chúng ta nhận biết mình là những người con được yêu thương – Chúa Cha yêu thương tất cả chúng ta? – là đối tượng hài lòng của Thiên Chúa, anh chị em của tất cả anh chị em khác, được trao cho một sứ mạng cao cả là làm chứng và loan báo cho mọi dân nước tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa nhắc chúng ta nhớ lại Phép rửa của mình. Chúng ta cũng được tái sinh nhờ Phép rửa. Trong Bí tích Rửa tội Chúa Thánh Thần đã đến để ở lại trong chúng ta. Vì thế, điều quan trọng là biết ngày rửa tội của mình. Anh chị em biết ngày sinh của mình nhưng không bao giờ biết ngày mình được rửa tội. Chắc chắn nhiều người trong anh chị em không biết… Một bài tập về nhà. Khi anh chị em về nhà và hãy hỏi: tôi được rửa tội khi nào? Hãy mừng lễ trong tâm hồn ngày mình được rửa tội mỗi năm. Anh chị em hãy thực hiện điều đó. Vì đó cũng là trách nhiệm công bình đối với Thiên Chúa, Đấng luôn luôn tốt lành với chúng ta.

Xin Thánh Mẫu Maria giúp chúng ta hiểu nhiều hơn về ơn của Bí tích Rửa tội và biết sống ơn đó cách nhất quán trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn