Thiên Chúa là tình yêu nghĩa là gì?



Philip Kosloski

Khi nói rằng "Thiên Chúa là tình yêu" Thánh Gioan muốn nói đến một tình yêu sâu sắc hơn nhiều so với định nghĩa của thế giới hiện đại.

Tình yêu có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Trong thế giới hiện đại nó thường đi liền với tình cảm của người này dành cho người khác – tình cảm lãng mạn, tình thương mến gia đình…

Với định nghĩa này về tình yêu có thể làm cho câu nói "Thiên Chúa là tình yêu" trở nên mơ hồ.

Thiên Chúa có phải là một thứ cảm giác? Phải chăng Thiên Chúa hiện diện trong những thứ tình cảm nồng ấm, lãng mạn mơ hồ hay trìu mến?

Vậy "Thiên Chúa là tình yêu" nghĩa là gì?

Đức Bênêđictô XVI đã trả lời câu hỏi này bằng thông điệp cùng tên: Thiên Chúa là tình yêu, Deus Caritas Est.

Thiên Chúa là Eros và Agape

Trong thông điệp này, Đức Bênêđictô XVI khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng "yêu thương và người ta có thể xem tình yêu của Người là eros, nhưng cũng đồng thời là agape" (số 9).

Đức Bênêđictô XVI giải thích những thuật ngữ Hy Lạp này liên quan đến tình yêu bằng cách cho thấy rằng Thiên Chúa yêu chúng ta theo cả hai cách:

“Eros như thuật ngữ ám chỉ đến tình yêu "trần thế”, và agape là cách diễn tả tình yêu được đặt nền tảng trên đức tin và được nhào nặn bởi đức tin. Cả hai ý niệm thường bị đặt đối kháng với nhau như là một thứ tình yêu "đi lên" và một thứ tình yêu ''đi xuống" (số 7).

Hai thứ tình yêu này thoạt đầu có vẻ đối lập nhau, tuy nhiên Đức Bênêđictô XVI khẳng định rằng chúng cùng nhau tạo nên định nghĩa chân thật về Thiên Chúa.

“Trong thực tế, eros và agape - tình yêu đi lên và đi xuống - không bao giờ tách biệt nhau. Khi cả hai càng hợp nhất đúng đắn dưới mọi chiều kích khác biệt trong một thực tại tình yêu duy nhất, thì bản chất chân thật của tình yêu càng tỏ hiện rõ ràng. Cho dù khởi đầu eros còn mang tính chất khả giác và vươn lên - hấp dẫn vì hứa hẹn hạnh phúc – nhưng khi đến với người khác, con người sẽ không luôn hướng về mình, mà luôn ước muốn đem lại hạnh phúc cho người khác, luôn chăm sóc đến họ, tự hiến chính mình và muốn hiện diện cho họ. Đó là lúc agape xen vào trong họ, nếu không như thế, con người sẽ bị hụt hẫng và đánh mất chính bản chất của mình. Ngược lại, con người không còn khả năng sống đơn thuần trong tình yêu ban tặng và đi xuống. Con người không thể cho mãi, họ cũng phải đón nhận. Ai muốn ban tặng tình yêu thì chính họ cũng được lãnh nhận tình yêu” (số 7).

Thiên Chúa yêu chúng ta bằng một tình yêu nồng nàn, riêng tư và mật thiết. Đồng thời, tình yêu của Ngài dành cho chúng ta là một tình yêu tự hiến, một tình yêu hy sinh tất cả vì lợi ích của người khác. Theo cách này, Thiên Chúa vừa là eros vừa là agape, một tình yêu thân thiết và đắm say, hy sinh tự bản chất.

Tình Chúa sâu thẳm và khôn dò. Chúng ta có thể cảm nghiệm được điều đó khi chúng ta yêu mến Chúa và yêu thương nhau với thứ tình yêu vượt lên trên những cảm xúc mãnh liệt và ngượng ngùng.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn