Suy niệm mỗi ngày Tuần 6 Thường niên



TUẦN VI

Thứ Hai

St 4, 1-25; Mc 8,11-13

Sau khi kể lại việc nguyên tổ loài người sa ngã, sách Khởi Nguyên trong suốt tám chương tiếp theo (chương 4 đến chương 11) tập trung vào một vấn đề chính là tội lỗi. Chương bốn mà ta nghe hôm nay đặc biệt chú ý đến mối liên lạc giữa người với người. Cain và Aben có lẽ là một truyện cổ tích được tác giả lấy đặt vào chỗ này. Đọc kỹ, ta nhận ra một số chi tiết đáng để ý: Trước hết, truyện đã nói đến nghề trồng tỉa và chăn nuôi tức là giả thuyết con người đã đạt tới một trình độ văn minh đáng kể đối với thời xưa. Truyện cũng nói đến việc tế lễ, việc ấy được trình bày như một cái gì tự nhiên đối với con người, như là kết quả của nhu cầu khẩn thiết nơi con người, để tỏ lòng sùng mộ với Đấng đã dựng nên mình. Truyện cũng còn nói đã có nhiều người có thể giết Cain, khác với lời kể là lúc đó chỉ có bốn con người đầu tiên.

Nhưng việc có các chi tiết hơi giả tạo âý chỉ là chuyện phụ. Vấn đề chính mà tác giả in vào óc con người đọc cái cảm tưởng rằng quyền lực tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian một cách tàn nhẫn và tất cả loài người, chứ không phải chỉ riêng Ađam và Evà đã sa ngã. Rồi ý tưởng: một khi con người đã phạm tội đối với Thiên Chúa thì họ cũng bắt đầu phạm tội đối với đồng loại. Khi chống lại Thiên Chúa, họ lập tức kình địch với nhau ngay. Tác giả cũng gợi ý rằng sở dĩ người ta làm hại nhau, đó là do người ta tự ái và ghen tương. Cain đã ghen tương khi thấy lễ vật của Aben được Thiên Chúa đoái nhìn, còn lễ vật của mình không được nhìn đến.

Điều này giúp ta dễ hiểu ý nghĩa của đoạn Tin Mừng hôm nay. Theo thánh Marcô, biệt phái từ nay không chỉ rình mò hay cự nự Chúa Giêsu mà còn khởi công tranh luận với Ngài. Họ đòi Ngài một dấu lạ từ trời, có lẽ là một sự gì lạ lùng tương tự những chuyện xảy ra trong cuộc xuất hành ngày xưa, khi đó họ mới chịu tin Ngài. Chúa Giêsu đã không đáp lại sự mong muốn thầm kín đó của họ. Như ta biết dấu lạ về Chúa Giêsu sẽ là lời Thiên Chúa giới thiệu về Ngài trong cuộc biến hình (Mc 7,7) biến cố báo trước cuộc phục sinh. Sở dĩ họ đã có thái độ đó cũng chỉ vì họ tự ái và ghen tương. Họ muốn đề cao mình, muốn mọi người coi họ là quan trọng, phải khúm núm, quy lụy trước mặt họ. Họ không chịu được khi thấy Chúa Giêsu dạy dỗ và hành động khác họ, khi thấy Ngài không nhận địa vị cao cả của họ và có một ảnh hưởng quá lớn lao đối với dân chúng. Lẽ ra họ phải tự vấn lương tâm trước việc bao kẻ tội lỗi triệt để thay đổi cuộc sống và say mê đi theo Ngài, lẽ ra họ phải thấy Ngài đúng là dấu lạ, thì họ lại càng quyết liệt bảo vệ vị thế và quyền lợi của mình, càng bịt mắt chặt hơn và tìm mọi cách loại trừ Ngài để họ được an thân.

Ngược với họ, Chúa Giêsu đã đến với tư cách Người Tôi Tớ hiền lành và bỏ mình, Ngài đã dùng sự tự hủy, chết đi cho cái tôi của mình, để giải thoát loài người khỏi tội lỗi và khỏi quyền lực của ma quỉ. Ngài mời gọi mỗi người chúng ta yêu mến Thiên Chúa và nhờ đó yêu thương đồng loại, đừng phản nghịch chống lại Thiên Chúa, để khỏi sinh ra kình địch với nhau, như sách Khởi Nguyên cho thấy. Ta hãy thường xuyên nhìn ngắm gương bỏ mình của Chúa Giêsu và gương Thiên Chúa luôn yêu thương, vẫn yêu thương Cain sau khi nó phạm tội, để cõi lòng ta thấm nhuần thái độ yêu thương và nhờ đó, gieo rắc sự an hòa trong mọi môi trường ta đang sống.


Thứ Ba

St 6,5-7,10; Mc 8,14-21

Qua câu chuyện về lụt Hồng Thủy, sách Khởi Nguyên đề cập đến phản ứng của Thiên Chúa đối với tội lỗi, đến việc Người hành động để chống lại mãnh lực duy nhất trên thế gian này đã dám nói "không" với Người. Lụt Hồng Thủy là một truyền kỳ của miền Lưỡng Hà địa, nơi có hai con sông lớn đã từng gây ra nhiều trận lụt trong lịch sử thời xưa, tàn phá các mùa màng hoặc lấp các thành thị ven sông dưới bùn sâu. Tác giả Kinh Thánh đã lấy lại tryền kỳ đó, tẩy rửa cho nó và cho nó một ý nghĩa mới. Tức là ông loại bỏ màu sắc đa thần và lý do các thần tức nhau hoặc muốn tru diệt loài người để thay thế bằng một Thiên Chúa uy nghi bình thản và cho thấy nguyên nhân đưa đến đại họa chính là tội lỗi của loài người. Tác giả muốn nói rằng tội lỗi đã lan tràn nhanh chóng đến nỗi cần phải có nước lụt mới tẩy sạch được những vết nhơ của nó.

Nhưng mặc dù nói đến hành động quyết liệt của Thiên Chúa để quét sạch tội lỗi và con người vấy nhiễu tội lỗi như thế, câu chuyện của Kinh Thánh lại vẫn để lộ tình thương của Thiên Chúa: Người vẫn tiếp tục quan tâm đến con người, tạo vật đã được dựng nên theo hình ảnh của Người, lòng từ bi của Thiên Chúa giống như sợi dây buộc con người với Thiên Chúa. Người để tâm đến người công chính, Người cứu họ và dùng họ để tái tạo loài người. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã không phế bỏ thụ tạo của Người, nhưng Người tái tạo họ, uốn nắn họ. Thiên Chúa chúng ta lúc nào cũng xuất hiện như một vị Thiên Chúa nhân hiền, hơn là một vị Thiên Chúa nghiêm khắc, giận dữ, chỉ thích tru diệt. Câu chuyện của Kinh Thánh đã khác với các truyền kỳ của ngoại giáo ở điểm là bên cạnh quyết tâm trừng phạt của phía thần linh, đã có giáo huấn đầy an ủi là thần linh vẫn còn yêu thương con người. Nói cho đúng hơn, Thiên Chúa mà đạo chúng ta tin thờ không bao giờ biết trừng phạt, không bao giờ biết giết chết. Ở đây, câu chuyện về lụt hồng thủy còn khiến ta có cảm tưởng Thiên Chúa độc ác hơn là xót thương, vì Người giết nhiều, cứu ít. Nhưng đây chưa phải là mạc khải đúng về Thiên Chúa. Mạc khải đầy đủ sẽ là chịu ảnh hưởng phạt đau đớn hay phải chết chỉ là kết quả mà kẻ phạm tội tự chuốc lấy cho mình. Tội lỗi khiến họ như con thú tự mình đâm đầu xuống vực thẳm. Lẽ ra nơi mọi chuyện đã vô phương cứu vãn, nhưng vì yêu thương, Thiên Chúa đã phải nhảy vào can thiệp, dù phải khốn vào thân đến đâu đi nữa, miễn là cứu vãn được tình thế tuyệt vọng.

Đó là điều ta thấy rõ khi con Thiên Chúa vào trần gian, xuống vực thẳm theo ta, cũng gánh chịu hậu quả tội lỗi là cái chết để thay đổi tình cảnh tuyệt vọng của ta thành tình cảnh lại có hy vọng và sự sống. Thiên Chúa không hề lúc nào muốn phế bỏ con người và không hề lúc nào dửng dưng ngồi nhìn tội lỗi hoành hành, khiến con cái mình đi đến hư vong. Thế nào Người cũng can thiệp, Người cũng cứu vãn.

Chính thái độ hôm nay của Chúa Giêsu đối với các môn đệ là một bằng chứng nữa về điều đó. Ngài thấy sau bao tháng ngày đi theo Ngài, nghe Ngài giảng dạy và trông thấy các phép lạ Ngài làm, các môn đệ vẫn mê muội và chậm tin, Ngài phải trách móc họ về thái độ chậm tin này.

Bằng những lời gợi lại lời Giavê quở trách Israel cứng tin. Ngài cũng sợ họ bắt đầu lây nhiễm thói xấu của phe Biệt phái và phe Hêrôđê là hai nhóm đang cấu kết chống lại Ngài, nên Ngài phải cảnh tỉnh họ. Tuy vậy, Ngài đã không phế bỏ nhóm môn đệ của mình đã kén chọn, mà sẽ cần uốn nắn họ, chí tình đào tạo họ từng bước.

Đối với mỗi người chúng ta, Chúa cũng đang sử sự như vậy. Ta cảm tạ Người đã không thịnh nộ với ta, đã không hất bỏ ta, mà đã nhẫn nại yêu thương mỗi khi ta phạm tội. Xin Người giúp ta thấu hiểu và đáp đền tình của Người ngày một hơn. Xin Người cũng giúp ta trở nên những Noe công chính giữa xã hội hôm nay, những nhân tố để Thiên Chúa dùng mà tái tạo nhân loại hôm nay.


Thứ Tư

St 8,6-22; Mc 8,22-26

Đoạn sách khởi nguyên hôm nay quả quyết rằng: từ nay, Thiên Chúa có thái độ khác với loài người. Tuy các toan tính của lòng họ vẫn xấu, nhưng Người sẽ thương xót và nhịn, chứ không phạt ngay và để diễn tả tình thương ấy, Người sẽ cho trật tự thiên nhiên, như mùa màng, nắng mưa, đêm ngày vẫn tiếp diễn bình thường.

Nói cho đúng ra, mặc dù trật tự thiên nhiên vẫn được duy trì như cũ, nhưng lịch sử nhân loại vừa khởi đầu một kỷ nguyên mới. Một nhân loại ô uế đã bị nhận chìm dưới làn nước hồng thủy. Với Nôe và gia đình ông, một nhân loại mới bắt đầu xuất hiện, một nhân loại biết nhìn nhận quyền của Thiên Chúa, biết tế lễ để tỏ lòng kính tôn Người. Nôe sẽ được nhiều đoạn Kinh thánh ca tụng là người có lòng tin, là người được nghĩa đặc biệt trước mặt Thiên Chúa, là khởi đầu của một nhân loại mới, do đó cũng là hình ảnh Đức Kitô nữa. Lịch sử nhân loại, với thời gian, lại sẽ là một lịch sử tội lỗi. Để đổi mới nhân loại, mỗi giai đoạn đen tối sẽ lại cần có những con người giống như Nôe công chính.

Đó là điều ta thấy khi Thiên Chúa kén chọn Abraham, Môisen, các vị lãnh đạo thánh thiện. Hay khi Chúa Giêsu kén chọn các tông đồ. Chúng ta vừa nghe câu chuyện Chúa chữa người mù tại Betsaiđa. Theo một số nhà chú giải Kinh thánh, phép lạ này của Chúa vừa chứng tỏ quyền năng phi thường và tư cách thiên sai của Chúa vừa tượng trưng cho việc Chúa chữa lành các tông đồ còn mù loà đối với những chuyện liên quan đến Thiên Chúa.

Trước đó, Chúa vừa trách các ông như trách Biệt phái và người ngoài: "các ngươi chưa hiểu sao? Các ngươi cứ giữ lòng trí chai đá mãi sao? Các ngươi có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe sao?". Theo Kinh thánh, tai là phương thế đón nhận mạc khải, mắt là phương thế để hiểu biết. Ở đây, Chúa chữa người mù bằng hai đợt, đợt một người đó chưa thấy rõ. Điều ấy tượng trưng cho việc sự chữa mù lòa của các tông đồ một cách dần dần bằng hai đợt, để các ông hiểu về Chúa, tuy rằng vẫn chưa đạt được mức công bố Ngài là Đấng thiên sai, vì Ngài vẫn dặn "đừng nói với ai trong làng". Sở dĩ Chúa đã tận tình cứu chữa các tông đồ bằng nhiều đợt, nhiều cách như thế, chính vì Chúa nhắm biến họ thành những viên đá tảng xây dựng một nhân loại mới.

Trong ý định của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta cũng được kén chọn như Nôe và các tông đồ để nên cộng sự viên của Người trong việc cứu độ nhân loại. Đặc biệt, việc chúng ta chịu phép rửa luôn được so sánh với việc của Nôe ngày xưa đã qua nước mà được cứu.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể tăng cường sự thánh thiện và mở mắt linh hồn cho ta để ta nên những con người giống như Nôe, đẩy lùi mãnh lực tội lỗi khỏi mình và giống như các tông đồ có con mắt nhìn rõ về Chúa hầu trở nên những kẻ góp phần vào việc kiến tạo và cũng cố một nhân loại mới cho Thiên Chúa.



Thứ Năm

St 9,1-15; Mc 8,27-33

Một lần nữa qua đoạn sách khởi nguyên hôm nay, chúng ta lại được nhìn thấy khuôn mặt của một Thiên Chúa yêu thương. Rõ ràng tâm tình hàng đầu của Ngài bao giờ cũng là thương xót. Nơi Ngài, việc phải áp dụng hình phạt cho con người là chuyện bất đắc dĩ và sau mỗi khi ra tay, Ngài lại như có những phản ứng là hối hận, là vội xác nhận tình thương của mình, là yêu thương hơn trước. Bước thêm một bước mới trong tình thương đối với con cái. Nếu so sánh với đoạn sách hôm nay với đoạn kể lại lúc Thiên Chúa mới dựng nên con người, ta thấy có một số điểm mới và khác: lúc ban đầu, loài người và súc vật chỉ ăn cây cỏ và trái cây tức là sống trong cảnh thanh bình của một hoàng kim thời đại, bây giờ thời đại ấy mai một rồi do tội lỗi của con người và thức ăn của họ là những động vật còn sống. Điều này có ý nói từ đây con người đi theo bạo lực và phải đấu tranh với muông thú. Rồi giữa người với người cũng sẽ có đấu tranh, thậm chí có đổ máu, đến nỗi phải đặt ra luật kẻ sát nhân sẽ đền mạng.

Như thế về phía đời sống con người có sự sa sút so với lúc nguyên thủy. Còn phía Thiên Chúa, Người vẫn chứng tỏ một tình thương như trước bằng những lời chúc phúc như với tổ tông loài người lúc ban đầu (cho sinh sản đông đúc và làm chủ muôn loài). Hơn thế nữa, Người còn long trọng giao ước sẽ bảo đảm sự trường tồn của vũ trụ; từ nay Ngài sẽ không bao giờ còn tàn phá mặt đất nữa. Biểu hiện cho giao ước này là một cầu vồng hình cánh cung đặt ngang trời. Mỗi khi nhìn thấy nó là Thiên Chúa nhớ lại rằng Ngài đã giao hòa cùng vạn vật, đã gác cung lên, không còn để bắn tên nữa, tức là Ngài sẽ bảo toàn sinh mạng cho muôn loài.

Có lẽ ta phải nhận rằng: giữa con người với nhau sau một cảnh gây tội hay có xích mích với nhau thì thông thường dễ có cái gì khó chịu và không tự nhiên với nhau, dễ có sự vẫn đục nào đó trong mối liên hệ. Còn đối với Thiên Chúa thì khác hẳn: dù con người phạm tội, Ngài vẫn duy trì hay tái lập sự trong sáng trong liên hệ cha con. Thậm chí chính những khi con người phạm tội, cõi lòng và khuôn mặt yêu thường của Thiên Chúa lại bừng sáng và lộ rõ hơn mọi khi, như ánh sáng càng sáng khi bóng tối càng đen đặc.

Những chương sách khởi nguyên đã chứng tỏ với ta sự thật ấy và mạc khải cho ta thấy khuôn mặt có một không hai ấy của Thiên Chúa chúng ta. Cũng thế, đoạn Tin Mừng cũng là một cách chứng tỏ cho chúng ta về sự thật ấy nữa. Bởi vì, đàng sau đoạn Tin Mừng này, ta có thể nhận ra một Đức Giêsu đầy tình thương, một Đức Giêsu đang kiên nhẫn đào luyện các tông đồ yêu dấu của mình và các tông đồ càng chậm hiểu và yếu tin tình thương của Ngài lại càng nhẫn nại và lộ rõ. Hôm nay, sau khi hỏi các tông đồ về dư luận và sự hiểu biết của dân chúng về Ngài, Chúa đã đột ngột hỏi thẳng chính các ông đang nghĩ Ngài là ai. Thánh Phêrô đã tuyên xưng Ngài là Kitô, là Đấng được xức dầu, Đấng Thiên Sai.

Đó là một thành công mới trong cố gắng đào luyện của Chúa. Chắc hẳn Chúa đã vui mừng, coi đó như một nền móng từ đó Ngài xây thêm công trình đào luyện các tông đồ. Từ đây, Ngài sẽ nói rõ về việc mình phải chịu khổ nạn. Ngài cũng sẽ quyết liệt hơn trong việc uốn nắn những lệch lạc, do đó Ngài nặng lời với Phêrô khi ông tỏ ra còn nặng đầu óc trần tục, muốn đạt đến vinh quang mà không phải qua con đường đau khổ và bỏ mình. Sau lời quở trách vì Phêrô lệch lạc đó, Chúa sẽ tỏ tình thương ân cần của Ngài khi Ngài tận tình dạy dỗ các tông đồ và sẽ giúp các ông đạt tới hiểu biết đầy đủ về Ngài, đạt tới quyết tâm bước theo Ngài.

Trong hiện tại, Chúa vẫn đối xử với ta như vậy. Cuộc đời đầy hèn yếu của ta luôn là nơi lòng nhân hậu Chúa lộ hiện mọi lúc. Bao giờ ta cũng là những kẻ đang được hưởng tình thương và lòng kiên nhẫn của Chúa. Xin Chúa Giêsu giúp mỗi ngày sống của ta trở thành một giai đoạn đạo đức mới, một ngày đáp đền và ca khen ân tình dạt dào của Chúa.



Thứ Sáu

St 11,1-9; Mc 8,34-9,1

Tại miền Lưỡng Hà, người ta đã tìm thấy di tích của những ngọn tháp lớn, nhiều tầng, tầng đáy lớn và các tầng trên cứ nhỏ dần đi như tháp ở thành Baben (tức là Babilon) chẳng hạn. Những tháp này có mục đích tôn giáo: đặt liên lạc với thần bằng cách lên gần thần hoặc làm bệ cho thần từ trời xuống. Tác giả Kinh Thánh đã mượn hình ảnh những tháp đó để nói về tội cộng đồng của con người. Hình ảnh xây tháp áp chỉ việc con người muốn dựa vào sức lực và sự tài khéo để tìm vinh danh cho mình, chống lại Thiên Chúa, gần như muốn thay thế Thiên Chúa để tự lo, tự quyết định cho mình. Tác giả cũng muốn nói rằng tội chống Thiên Chúa đương nhiên tạo ra sự chia rẽ giữa người với người, sự phân tán và tan rã của nhân loại. Bởi vì giềng mối của sự hiệp nhất là Thiên Chúa. Khi mất liên lạc với Thiên Chúa, tức là khi phạm tội, thì sự bất hòa và hỗn lọan nảy sinh và loài người đâm ra chia rẽ, ly tán.

Với đoạn Kinh Thánh hôm nay, chúng ta đã đọc xong những đoạn chính thuộc mười một chương đầu của sách Khởi Nguyên. Sau hai chương kể lại việc tạo dựng vũ trụ và con người, sách Khởi Nguyên đã dành chín chương đề cập đến sự xuất hiện của tội lỗi, đến sự hoành hành càng ngày càng gia tăng và những hậu quả tai họa của nó. Các tác giả muốn in khắc vào ta ấn tượng là tội lỗi gia tăng bằng những bước nhảy vọt và càng mắc trong cái mãnh lực phi thường này, con người càng cần ơn cứu độ.

Chung quy, tội lỗi ở đây được trình bày là việc con người bất tuân, không muốn sống theo ý muốn hay lệnh truyền của Thiên Chúa, hoặc ham muốn ra khỏi thân phận mình, hoặc kiêu ngạo đối với Thiên Chúa, ghen tương đối nhau. Hậu quả của tội lỗi sẽ là con người mất sự sống hạnh phúc, sống xa cách Thiên Chúa và phân tán với nhau.

Có điều là giữa cảnh đêm tối ấy, Thiên Chúa tình thương vẫn có mặt và nhìn ngó đến con người. Đó là dấu hiệu báo trước rằng lịch sử tội lỗi không phải là lịch sử tuyệt vọng và khốn nạn vĩnh viễn, mà lại chính là nguyên nhân đưa đến lịch sử cứu rỗi, lịch sử mạc khải tình thương của Thiên Chúa. Và thực sự, ngày nay ta đã sống trong thời đại vui mừng. Ta đã biết là Thiên Chúa đã đến cứu rỗi nhân loại rồi để ban cho nhân loại hạnh phúc đã mất, để thu họp muôn dân tản mát thành một, đảo ngược lại câu chuyện đáng buồn xảy ra ở Baben. Do bất tuân ta khốn đốn, thì nay Chúa Giêsu đã sống vâng phục để cứu rỗi ta. Do kêu căng và muốn vượt quá thân phận hạn hẹp của mình, ta mất sự sống, thì nay Chúa Giêsu đi con đường khiêm hạ, vui lòng chấp nhận thân phận làm người và tự hủy diệt cái tội để dẫn ta vào lại cõi phúc. Theo bài Tin Mừng, sau khi thấy Phêrô và các tông đồ còn nặng đầu óc trần tục, chỉ thích vinh quang và sự dễ dãi trước mắt, Chúa Giêsu đã lớn tiếng mời gọi ai muốn làm môn đệ của Ngài hãy bỏ mình, đi con đường thập giá, chấp nhận mất mạng sống vì Ngài và vì Tin Mừng, bởi vì Ngài biết con người chỉ có một con đường hạnh phúc: đó là sống địa vị làm con cái, kính tôn vâng phục Cha, gắn bó với Thiên Chúa. chỉ những ai đưa mầu nhiệm thập giá vào đời sống hằng ngày của mình mới là những người có mặt bên Ngài trong ngày vui cánh chung.

Giờ đây, chúng ta đến với thánh lễ là để cảm nghiệm và sự tập tành sự bỏ mình của Chúa Giêsu và sống cảnh hiệp nhất trong đại gia đình của Chúa. Xin Chúa Giêsu diệt trừ nơi ta thói kiêu căng và thái độ sống ngược với thánh ý Thiên Chúa để ta nên người của thời đại cứu rỗi và nên phần tử góp phần xây dựng Hội Thánh Chúa.



Thứ Bảy

Dt 11,1-7; Mc 9,2-13

Sau hai tuần được đọc những đọan chính của mười một chương đầu thuộc sách Khởi Nguyên, ta có đoạn thư Do Thái hôm nay như bản đúc kết về mười một chương đó theo khía cạnh tích cực tốt đẹp: đó là ta được nghe lược lại danh sách những người công chính của thời đầu và đức tin đáng khen ngợi của họ. Khi vừa đọc các chương vừa nói của sách Khởi Nguyên, ta thấy cảnh tốt đẹp chẳng kéo dài bao nhiêu, vì tội lỗi đã sớm đột nhập vào lịch sử nhân loại. Càng dõi theo các biến cố và các diễn tiến, ta càng kinh hãi trước sự hoành hành của tội lỗi và trước hình ảnh hoen ố của nhân loại. Thế nhưng, giữa một xã hội tanh hôi vì vẫy nhiễu tội lỗi ấy, đã trồi lên những con người có lòng tin và lòng mến. Họ đối chọi hẳn với cả đám đông những kẻ sống tội lỗi. Họ đúng là những bông sen tỏa hương thơm giữa bùn lầy. Họ giống như những ngọn đèn rực sáng lên giữa đêm đen. Lối sống của họ chắc chắn đã khiến kẻ chung quanh phải đặt câu hỏi, thậm chí nguyên sự có mặt của họ đã là một sự kến án thế gian. Nhờ họ, quyền lực tội lỗi đã không nhận chìm được công trình tạo dựng của Thiên Chúa, không khống chế được nhân loại và nhân loại vẫn còn được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa. Họ đã góp phần đáng kể vào việc chặn đứng sự hoành hành của tội lỗi và giúp Thiên Chúa tái lập cảnh tuyệt mỹ của buổi ban sơ.

Tác giả thư Do Thái thật có lý để mà ca ngợi họ. Nhưng ta sẽ mến họ hơn nữa, nếu hiểu rằng để trung thành được với lòng tin, chắc chắn họ đều đã phải phấn đấu liên lỉ, chống lại những đam mê xấu nơi mình và sự xuống dốc của xã hội xung quanh. Cứ xét lại bản thân ta thì rõ: để sống đúng tư cách kẻ tin, ta thật sự phải cam go chiến đấu như thế nào.

Ở đây đoạn Tin Mừng cũng giúp ta hiểu thêm công trạng của họ, bởi vì có lòng tin và trung thành với lòng tin không phải là chuyện dễ. Chúa Giêsu đã phải dầy công đào luyện các môn đệ về vấn đề này. Cuộc biến hình của Ngài trước mặt ba môn đệ được chọn riêng đã có mục đích là củng cố và điều chỉnh đức tin của họ sau khi Phêrô tuyên xưng Ngài là Đức Kitô. Biến cố này là sự khai tâm, soi sáng cho các môn đệ về mầu nhiệm Đức Kitô. Theo một số nhà chú giải Kinh Thánh, biến cố này có liên hệ với dịp lễ Lều trong đó người Do Thái nhớ về cuộc thần hiện của Thiên Chúa ở Sinai và cuộc lữ hành trên sa mạc ngày xưa. Dịp này, người ta dễ khơi lại cứu thế thuyết chính trị, nhưng Chúa Giêsu đã tránh xa sự hấp dẫn của thuyết ấy. Vì các môn đồ và để giúp các môn đồ có lòng tin đúng đắn về Ngài, Chúa Giêsu đã phải từ bỏ, đã phải vất vả hy sinh. Hiểu như thế, ta mới quí nể những con người có lòng tin và thể hiện lòng tin trong cuộc sống.

Trong hiện tại Chúa cũng khát khao thấy chúng ta dóc lòng tin. Vì Ngài biết rõ những kẻ có lòng tin thật cần thiết cho xã hội, để có thể nói giữa đêm đen cuộc đời, con người nhờ họ mà nhìn thấy ánh sáng và bước đi. Xin Chúa nâng đỡ và soi sáng đức tin non kém nơi ta để với thời gian, ta xứng đáng trở nên những con người được hiệp thông với thế giới cõi trời như hai ông: Êlia và Môisê, những kẻ đã tin vào Thiên Chúa, đã sống cho Thiên Chúa và đã được chia sẻ vinh quang với Đức Kitô.













Mới hơn Cũ hơn