Lời chào Bình An, sứ điệp trọn vẹn của Tin mừng - Chúa nhật 14 thường niên năm c



Is 66,10-14c; Tv 65;  Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

“Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi’.

{“Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: ‘Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần’. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.

Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.}

Suy niệm

“Bình an cho nhà này!”. Đó là lời chào chúc đầu tiên mà Chúa Giêsu truyền cho bảy mươi hai môn đệ khi sai họ lên đường (x. Lc 10,5). Trong bối cảnh xã hội bạo loạn, lòng người xao xác và thế giới nhiễu nhương hôm nay, lời chào bình an không chỉ mang tính nghi lễ, nhưng chính là cốt lõi của sứ điệp Kitô giáo. Nó vang vọng như một “tin vui” đích thực giữa những “tin buồn” vây bủa cuộc đời.

Trong một buổi sáng yên tĩnh ở miền quê sau cơn bão lớn, một người nông dân già ngồi trầm ngâm, lặng lẽ giữa đống đổ nát. Khi có người đến hỏi thăm, ông không than trách, không kể lể mất mát, nhưng chỉ ngước lên, mỉm cười và nói: “Ơn Chúa, gia đình tôi vẫn bình an”. Dường như trong tận cùng của khổ đau, điều quý giá nhất người ta vẫn mong giữ được, chính là sự bình an, thứ bình an không chỉ là vắng bóng giông tố bên ngoài, nhưng là sự lắng dịu và vững chãi nơi cõi lòng.

Từ câu chuyện đời thường ấy, Lời Chúa hôm nay mở ra cho chúng ta một chân trời sâu rộng hơn: Bình an đích thực không chỉ là trạng thái sống còn hay cảm xúc tạm thời, mà là một ơn huệ từ Trời, là Tin mừng cao cả mà Thiên Chúa muốn ban tặng và sai chúng ta loan báo cho thế giới.

Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia nói về một viễn cảnh đầy ắp sự sống và ủi an cho dân Israel đang sống cảnh lưu đày. Thiên Chúa hứa sẽ cho dân được hồi hương, được an ủi như con thơ được mẹ hiền ẵm vào lòng, vỗ về trên đầu gối. Giêrusalem, từng là thành thánh đổ nát, giờ đây sẽ lại trở thành nơi chảy tràn bình an như dòng sông và vinh quang như thác lũ. Đây không chỉ là một hình ảnh thi ca, mà là một lời hứa cứu độ, một “tin vui” thực sự cho dân Chúa đang bước đi trong u tối của mất mát và tuyệt vọng. Và chính niềm hy vọng vào giao ước với Thiên Chúa đã làm nên sức mạnh nội tâm giúp dân tộc Israel giữ vững căn tính, trung thành với niềm tin, vượt qua bao sóng gió của lưu đày và áp bức.

Thực tế đời sống hôm nay, mỗi người chúng ta cũng đang đối diện với những dạng lưu đày khác nhau: lưu đày của sợ hãi, áp lực, mất phương hướng; lưu đày của chiến tranh tâm hồn, đổ vỡ gia đình, hay đơn độc giữa xã hội đông người. Trong những hoàn cảnh đó, chúng ta dễ bám víu vào những “tin vui” chóng qua của thế gian: sự thành công, giàu có, quyền lực hoặc tiện nghi vật chất. Nhưng kinh nghiệm của Kinh Thánh và đời sống đức tin dạy ta rằng, chỉ có một “Tin Mừng” đích thực, đó là chính Đức Kitô và bình an mà Người đem đến.

Đã có một thời, dân Do Thái tưởng rằng hạnh phúc sẽ đến khi có Đấng Mêsia quyền năng xuất hiện: Người sẽ đánh đuổi ngoại bang, thiết lập vương quyền Israel, đem lại sự phồn vinh. Và thật vậy, trong thời rao giảng của Chúa Giêsu, dân chúng được chứng kiến nhiều dấu lạ: người què đi được, người mù thấy được, kẻ chết sống lại, ma quỷ bị trục xuất. Nhiều người nghĩ rằng: bình an đã đến rồi, thời đại vàng son đã bắt đầu. Nhưng niềm hy vọng đó nhanh chóng sụp đổ khi Đức Giêsu, Đấng mà họ đặt niềm tin, lại bị đóng đinh thập giá như một tử tội. Bao nhiêu ảo vọng vỡ tan, và một lần nữa, người ta lại chìm vào nỗi thất vọng.

Thế nhưng, chính nơi Thập giá đó, một con đường mới đã mở ra, con đường của ơn cứu độ, con đường của bình an đích thực. Bình an mà Đức Kitô ban không như thế gian ban tặng (x. Ga 14,27). Đó không phải là bình an đến từ thế lực, tiền tài hay sức mạnh trần thế, nhưng là sự bình an phát sinh từ tình yêu, được tôi luyện qua khổ đau, từ sự giao hòa với Thiên Chúa và với nhau.

Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Galát mà phụng vụ hôm nay trình bày, đã khẳng định xác tín ấy: “Ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài Thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Đối với ngài, chính từ Thập giá mà mọi sự cũ kỹ của thế gian bị đóng đinh, để mở ra một đời sống mới, một tạo vật mới trong Đức Kitô. Từ Thập giá, Thánh Phaolô khám phá được chân lý sâu xa: bình an đích thực không hề tách rời Thập Giá, và sứ vụ rao giảng Tin mừng chính là mang lấy dấu ấn thập hình mà bước đi.

Chúa Giêsu không chỉ ban bình an, Người còn sai các môn đệ ra đi loan báo bình an. Trích đoạn Tin mừng Luca hôm nay kể lại việc Người sai bảy mươi hai môn đệ đi đến từng làng mạc, mang theo không phải túi tiền, bao bị hay giày dép, những biểu tượng của sự lệ thuộc vào thế lực và phương tiện trần gian, mà chỉ mang theo một lời chào: “Bình an cho nhà này”. Lời chào ấy chứa đựng tất cả linh đạo, bản chất và sức mạnh của sứ vụ tông đồ: các môn đệ không ban phát sự bình an của riêng mình, mà là bình an của Thiên Chúa, của Nước Trời đang đến gần.

Sự nghèo khó của người được sai đi, theo nghĩa thiêng liêng, chính là điều kiện để lời rao giảng trở nên chân thực và hiệu quả. Họ không cần quyền lực, không mang theo vũ khí, không dựa vào của cải, nhưng chính họ trở nên khí cụ bình an. Cũng như Thánh Phêrô xưa đã nói với người què ở cửa đền thờ: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3,6).

Trong một thế giới ngày càng đặt vật chất lên ngôi, nơi mà con người tìm kiếm sự yên ổn bằng sức mạnh quân sự, kinh tế, công nghệ, thì lời loan báo bình an của Tin mừng quả là một chọn lựa ngược dòng, một nghịch lý mang tính tiên tri. Nhưng người môn đệ Đức Kitô không có sự chọn lựa nào khác. Họ chỉ có thể đi vào thế giới bằng chính con đường mà Thầy Chí Thánh đã đi, con đường thập giá, con đường tự hiến, con đường yêu thương đến cùng.

Và như thế, chính đời sống của người Kitô hữu phải trở nên lời chào bình an sống động: bình an trong ánh mắt biết cảm thông, trong lời nói không làm tổn thương ai, trong nụ cười khích lệ, trong sự phục vụ âm thầm, trong những hy sinh không cần báo đáp, trong lòng tha thứ không điều kiện và trong cuộc sống hằng ngày đong đầy tinh thần hiệp thông.

Hôm nay, khi rời khỏi bàn tiệc Thánh Thể, tôi mang theo lời chào “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” không chỉ trong phụng vụ, mà trong mọi cuộc gặp gỡ của đời sống. Tôi muốn mang sự bình an ấy đến gia đình tôi, nơi làm việc của tôi, với bạn bè, với cả những người tôi từng mâu thuẫn. Bởi tôi tin rằng, trong một thế giới quá nhiều tiếng ồn, hận thù và chia rẽ, lời chào bình an, nếu được sống thực, chính là Tin mừng mạnh mẽ nhất mà tôi có thể trao cho người khác.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng đã sống và đã chết cho chúng con được hưởng bình an đích thực, xin ban cho con đôi chân nhẹ nhàng, đôi tay rộng mở, trái tim đầy yêu thương, để con có thể trở thành người mang Tin mừng bình an đến cho mọi nẻo đường con đi qua hôm nay. Amen.
Mới hơn Cũ hơn