Thánh Thể, Quà Tặng Tuyệt Hảo Của Tình Yêu Chúa Giêsu Cho Nhân Loại


1. Dâng hiến trọn vẹn

“Ngày xưa, nơi xứ Thiên Trúc có một vị vua gọi là Thi Tỳ, ép thân khổ hạnh, cầu lấy phép chính đẳng. Bỗng trên trời có một con chim ưng đuổi bắt một con bồ câu. Con bồ câu sợ chim ưng bắt ăn thịt, lao mình xuống nách vua Thi Tỳ cầu cứu, toàn thân run lẩy bẩy. Vua Thi Tỳ thấy thế, ôm con bồ câu vào lòng. Chim ưng đáp tới, xin nhà vua trả cho nó con mồi, và bảo: “Nếu vua cứu nó thì tôi chết đói”.

Nhà vua tự nghĩ: nếu cứu một con chim mà hại mạng một con chim thì chẳng ích gì, và cũng không hợp lý”. Vua liền rút dao tự xẻo một miếng thịt đùi của mình, đưa cho con chim ưng, thế mạng cho con bồ câu.

Chim ưng không nhận và nói: “Miếng thịt của ngài còn nhẹ hơn con bồ câu nhiều lắm. Xin cho thăng bằng”.

Vua Thi Tỳ gọi lấy cân đem đến, buộc con bồ câu một bên, bên kia móc miếng thịt đùi của vua lên. Quả nhiên miếng thịt của vua nhẹ bổng. Nhà vua lại xẻo thêm một miếng thịt nôi bả vai bù vào. Nhưng lạ thay, nhà vua xẻo bao nhiêu thịt móc vào cũng vẫn còn thiếu. Cuối cùng, nhà vua chặt một cánh tay móc vào cân, thì bỗng thấy trời đất chuyển động, cát bay đá chạy vù vù, có nhiều vị thiên thần hiện xuống cử nhạc, nhiều tiên nữ hiện xuống nhảy múa, tiếng đàn tiếng hát vang vng giữa không trung, và hương thơm ngào ngạt bay xa hàng mấy vạn dặm. Rồi có tiếng của Thượng Đế khen: “Thiện vậy thay! Thiện vậy thay! Người đâu can đảm xả thân cứu chúng sinh! Thật hiếm có”.

Câu truyện trên dẫn chúng ta đến khía cạnh thứ nhất của mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm của tình yêu tuyệt hảo: Chúa Giêsu dâng tặng chính mình, dâng tặng trọn vẹn, dâng tặng tất cả: “Này là mình Ta, các con hãy cầm lấy mà ăn” (Mt 26,26)

Tình yêu càng sâu đậm thì quà tặng càng lớn. Khi người ta mến nhau thì tặng quà, tặng bánh. Tình bạn mặn mà hơn thì quà tặng cũng quí giá hơn. Nhưng khi người ta say mê nhau thì người ta gắn bó lấy nhau và cho nhau chính thân mình. Cho hết. Cho trọn vẹn. Ngày xưa, người ta thường khắc tại các bàn thờ cảnh con chim pellican, chim mẹ, không kiếm được của ăn nuôi con thì lấy mỏ móc tim ra để lấy máu mình mà nuôi con.

Thường thì đứng trước một tình yêu nồng nàn và thâm sâu như thế, không ai có thể dửng dưng được. Vậy mà vẫn có những trường hợp “tình yêu một chiều” đấy. Người được yêu làm ngơ giả điếc, hoặc khinh khi từ khước! Biết đâu tình yêu khủng khiếp của Chúa Giêsu đối với người môn đệ nào đó của Ngài lại chẳng phải là tình yêu một chiều?

2. Hiện diện

Ngoài nhu cầu dâng hiến, tình yêu sâu đậm còn một nhu cầu căn bản nữa. Đó là Hiện Diện. Khi người ta say mê nhau thì muốn ở gần nhau luôn. Dù có ở xa, cũng nhớ luôn và tìm cách để được gặp nhau. Và ước vọng đó trở thành nguồn gợi hứng cho sáng kiến, phà vào lòng niềm hăng say và trở thành sức mạnh nâng đỡ trong lúc mệt mỏi. Thứ tình yêu này đã là nguồn cảm hứng cho bao nhiêu vần thơ và nốt nhạc tuyệt vời; đã là nguồn gốc của biết bao hy sinh!

Hèn chi, các vị thánh, các nhà truyền giáo lớn đều là những người say mê phép Thánh Thể. Cuộc đời tông đồ của các ngài múc nguồn và gợi hứng từ những giây phút trầm lặng một mình trước Nhà Tạm. Khi nói đến đời tông đồ, thường người ta nghĩ đến rao giảng, phục vụ. Nhưng đó chỉ là hoa trái thôi. Cái rễ nó nằm dấu kín ở dưới đất. Để nói cho ra hồn, phải biết nghe; để ra đi phải khám phá ra được là mình được sai đi. Người ta có thể coi đây là điều không mấy thiết thực, nhưng lại là cốt tủy của kinh nghiệm truyền giáo. Theo chứng từ của cha Fernando Sozzi, một vị truyền giáo người Ý, 50 năm truyền giáo bên Bangladesh:

“Ngày nay người ta nói nhiều về các phương pháp mục vụ, và người ta tổ chức nhiều cuộc học hỏi. Các việc đó cũng là điều tốt. Nhưng phần tôi thì tôi không tin vào các phương pháp, nhưng vào tinh thần hướng dẫn các phương pháp. Bên Bengala, tôi đã thử tất cả: tôi huấn luyện các giáo lý viên, tôi đi thăm các cứ điểm truyền giáo trong nhiều tháng, tôi đánh guitar và gảy đàn mandoline, tôi tổ chức các hợp tác xã và ngân hàng tín dụng nông nghiệp, tôi dạy giáo lý cho từng cá nhân và cho các nhóm, tôi tổ chức làm kịch với ý nghĩa tôn giáo. Nói tóm lại, tôi đã thử tất cả các điều mới mẻ. Tuy nhiên, nếu muốn thành thực, tôi phải nói là tôi cảm thấy là nhà truyền giáo thực sự, và có được các ơn trở lại và được dân chúng tín nhiệm, khi tôi cầu nguyện nhiều hơn. Chú trọng đến các phương pháp, cách thức mục vụ, đến thần học là điều hợp lý. Tuy nhiên, một điều không bao giờ được quên, đó là việc tông đồ không phải của chúng ta, nhưng Thánh Thần Chúa. Chỉ có Chúa Giêsu mới là Đấng cứu chuộc và giải thoát con người. Dân chúng, cả những người nghèo nhất, không cần chúng ta, sự trợ giúp và công việc của chúng ta, nhưng họ cần Chúa Giêsu... Cần phải suy niệm những điều này nhiều giờ trong kinh nguyện, nghiền gẫm đến độ có thể gặp được Chúa Giêsu trong tâm hồn và thấy vui sướng được gặp gỡ Ngài và sống say sưa hạnh phúc với Ngài”.

3. Tình yêu cứu độ

“Đây là chén máu của Thầy, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội”. (Mt 26,27)

Thật là nhiệm mầu, tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể! Xé ruột gan ra, móc tim ra để nuôi nấng và chữa trị người phản bội, bạc nghĩa. Thực là một tình yêu đi ra ngoài cái nghĩ, cái cảm thường tình. Ai tưởng tượng nổi. Mà đó lại tình yêu độc đáo nhất của Chúa Giêsu Thánh Thể.

Trước tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi người môn đệ của Chúa, đặc biệt người tông đồ tận hiến thấy mình đứng vào hai vị trí. Vị trí thứ nhất là của kẻ được thương yêu quá mức, bất chấp hoàn cảnh tội lỗi của mình; vị trí thứ hai là sứ mệnh làm sáng tỏ tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu cho người tội lỗi. Vị trí thứ nhất đem lại ủi an; vị trí thứ hai đòi hỏi một cuộc hành trình thiêng liêng cực nhọc và kiên nhẫn, gột rửa tâm hồn để lòng được thanh thoát. Cuộc hành trình này có thành công hay không thì cũng tùy vào khả năng của người tín hữu biết đón tiếp Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng mình. 

“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,4-5).
Mới hơn Cũ hơn