Suy niệm mỗi ngày Tuần 5 Thường niên

SUY NIỆM MỖI NGÀY TUẦN V THƯỜNG NIÊN




THỨ HAI

St 1,1-19; Mc 6,53-56

Trong các ngày thường của tuần này và tuần sau, phụng vụ sẽ trích đọc cho ta một số đoạn thuộc sách Khởi Nguyên, tức sách Sáng Thế là cuốn được đặt ở ngay đầu của bộ Kinh Thánh. Tuy kể lại những chuyện cổ xưa thuộc những thời đầu của vũ trụ trời đất và của lịch sử dân Do Thái, nhưng sách Khởi Nguyên không phải là cuốn sách cổ nhất trong bộ Kinh Thánh. Nó đã được viết ra trong rất nhiều đợt và do rất nhiều người, có lẽ phải mất bảy, tám trăm năm mới hoàn chỉnh, kéo dài từ thời Môsê đến mãi thế kỷ thứ IV trước Chúa Giáng Sinh. Người ta đã thêm, đã bớt, đã viết đi viết lại, đã sửa chữa, sắp xếp nhiều đợt. Mục đích của các tác giả khi viết sách này không phải là kể lại mọi chuyện đúng như xảy ra trong thực tế. Cụ thể là chuyện tạo dựng trời đất mà chúng ta vừa nghe.

Theo các bác học ngày nay, có lẽ lúc ban đầu đã có một nguyên tử, rồi nguyên tử ấy có một sức nổ khủng khiếp. Từ sức nổ ấy, trăng sao tinh tú và vũ trụ đã dần dần xuất hiện. Vũ trụ đã thành hình khác hẳn với sách Khởi Nguyên mô tả. Thế nhưng, tác giả sách Thánh không có ý nói chuyện khoa học, mà chỉ có ý nói về việc tạo dựng trời đất theo đức tin của mình. Ông chỉ có ý nói rằng dù trời đất thành hình cách này hay cách khác thì nhất định cũng phải do quyền năng của Thiên Chúa và do lời của Người.

Bởi vì chỉ có một Thiên Chúa và tất cả các vật khác đều do Người tạo dựng, ông muốn chứng minh Thiên Chúa là Đấng có bản vị, có sự sống, có suy nghĩ chứ không phải là một cái gì trừu tượng như nhiều dân ngoại lầm tưởng. Người đầy tự do và quyền năng như một vị Chúa Tể. Người có kế hoạch khi tạo dựng. Người cân nhắc, Người phán và vũ trụ cùng muôn vật tuần tự xuất hiện. Hôm nay, ta hãy đặc biệt dừng lại ở một gợi ý của tác giả: Thiên Chúa là Đấng vô cùng phong phú và là Đấng cho đi một cách vô cùng rộng lượng. Đọc đoạn sách này của tác giả ta thấy rất nhiều câu có chữ "và" nối tiếp với nhau.

Tác giả có ý cho thấy việc tạo dựng tuôn ra phong phú như nước tuôn chảy từ một nguồn suối. Thiên Chúa cho đi, cho đi thật nhiều, cho đi liên tục và nhờ thế, muôn loài đã được diễm phúc ra đời thông chia sự hiện hữu của Người. Bởi vì, chủ đích của Thiên Chúa là tạo dựng nên những loài giống như Người, những loài cũng sẽ cho đi, sẽ trao ban một cách quảng đại. Nhất là Thiên Chúa nhắm đến việc tạo dựng ra loài người, những người con của Người, những kẻ cũng sẽ giống như Người, biết cho đi, biết hiến thân, biết trao ban không ngừng. Cả vũ trụ chỉ là phụ trước mắt Thiên Chúa. Chỉ có con người mới là tất cả đối với người.

Về điểm này, Chúa Giêsu thật là mẫu người lý tưởng mà Thiên Chúa muốn có, muốn gởi đến để nhân loại nhìn mà bắt chước. Qua đoạn Tin Mừng ngắn gọn của thánh Marcô hôm nay, ta thấy Ngài đúng là hiện thân của vị Thiên Chúa đã cho đi, đã ban phát như dòng suối tuôn chảy xối xả. Chúa Giêsu có một sức thu hút lạ lùng đối với quần chúng. Dường như người ta say mê Ngài. Bất cứ Ngài lẩn trốn đi đâu, họ cũng tìm cho bằng được và tin tưởng đưa những bệnh nhân đến để được Ngài cứu chữa. Sở dĩ người ta ùn ùn đến với Ngài, chính vì họ cảm thấy Ngài luôn luôn cho họ cái gì, Ngài luôn là vòng tay mở rộng chờ đón, Ngài luôn trao ban hết con người, hết thời giờ, hết quyền năng của Ngài cho họ. Sức thu hút của Chúa Giêsu hệ tại ở việc Ngài là con người đã quảng đại cho đi.

Ngài chính là mẫu chúng ta được mời gọi tìm đến, ngắm nhìn và noi theo. Chính khi sống như Ngài là khi ta trở nên hình ảnh Thiên Chúa, trở nên con cái của Đấng đã tạo nên vũ trụ vạn vật trong sự rộng lượng và tuôn trào không ngừng. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể thiêu đốt dần cả đời ta để ta cũng nên lễ toàn thiêu sống động biết trao hết cả mình đi y như Ngài đã từng sống khi còn tại thế và giờ đây vẫn từng sống qua bí tích Thánh Thể.


THỨ BA

St 1,20-2,4a; Mc 7,1-15

Theo các nhà tìm hiểu Thánh Kinh cho biết, chương một của sách Khởi Nguyên là một chương được viết theo hình thức bài thơ. Tác giả dùng những hình ảnh, những ý tưởng mà người cùng thời với ông hiểu được để diễn tả những điều ông tin nhận. Có lẽ bài của ông giống như một vè được ngâm nga nhiều lần và nhờ cách sắp xếp của nó, người bình dân ít học cũng chóng nhớ được ý tưởng của nó. Điều ông muốn nói qua bài thơ tài tình này đó là Thiên Chúa là Chúa của trật tự. Cách tạo dựng của Người đã theo một trật tự tuyệt hảo và được phân chia thành hai đợt: ba ngày đầu Thiên Chúa đã thực hiện ba việc phân tách: phân tách ánh sáng khỏi tối tăm - phân tách nước phía trên khỏi nước phía dưới để có bầu trời và biển cả - phân tách khô ráo khỏi biển cả phía dưới; ba ngày sau Thiên Chúa lo trang trí các nơi, tức là dựng nên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao để soi sáng - rồi dựng nên chim trời, cá dưới nước - cuối cùng dựng con người và thú vật trên đất khô.

Điều thứ hai tác giả muốn nói rõ: đó là con người là kiệt tác trong các tạo vật hữu hình. Vì thế, tác giả ghi những điểm đặc biệt như: trước khi tạo dựng con người, Thiên Chúa phải bàn tính thầm với mình - rồi họ được tạo dựng sau một loài khác - chỉ có được ban quyền cai trị thế loài vật- nhất là họ được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Người, có trí hiểu, có sự quyết định.

Tác giả còn muốn viết lúc đó con người và thú vật chỉ ăn rau cỏ và trái cây để gợi ý rằng đó là một hoàng kim thời đại, người và vật sống trong cảnh thanh bình êm ả. Đặc biệt, sau khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã thấy là mọi sự "tốt lành quá đỗi" và Người nghỉ ngơi, làm như Người đã hoàn thành hết những gì Người phải làm, đã đạt tới tột đỉnh công việc vậy.

Thế nhưng, như ta đã biết, con người sẽ phạm tội, Thiên Chúa sẽ không thể mãn nguyện mãi về kiệt tác của Người và sẽ không ung dung nghỉ ngơi được. Người đã phải vất vả uốn nắn lại đoàn con vạy vò. Công việc uốn nắn này không thành công mọi lúc và nhất là không thành công trong một sớm một chiều. Mãi đến thời Chúa Giêsu, như bài Tin Mừng chứng minh, những con người lệch lạc vẫn đầy dẫy, chính nhóm biệt phái, luật sĩ - nhóm tự cho là bậc lãnh đạo toàn dân về đạo đức - lại đã sống hình thức, vụ luật, làm ra vẻ giữ một số việc bề ngoài, nhưng kỳ thực trong lòng chỉ giả dối và rỗng tuếch đối với Thiên Chúa, coi thường và lươn lẹo mưu mô tránh né các giới răn.

Bản thân chúng ta cũng còn lâu mới là kiệt tác của Thiên Chúa. Nơi con người chúng ta, nét xấu thường nhiều hơn nét đẹp. Và lắm khi, càng là người nhận nhiều hồng ân, càng là người được ưu đãi, ta lại càng có nhiều điểm xấu làm buồn lòng Thiên Chúa. xin Chúa Giêsu - con người điển hình uốn nắn chúng ta để chúng ta ngày càng thêm xứng đáng là thụ tạo được Thiên Chúa yêu thương và tạo dựng một cách đặc biệt hơn muôn loài.


THỨ TƯ

St 2,4-17; Mc 7,14-23

Đoạn sách Khởi Nguyên hôm nay có lẽ do một tác giả khác viết và được viết lâu trước chương chúng ta nghe hôm qua. Đây là một câu chuyện mới, có nhiều ý bóng bẩy tượng trưng, diễn tả những chân lý sâu xa bằng những hình ảnh linh động. Tác giả muốn cho thấy con người khác hẳn với thế loài vật. Họ gồm có hai yếu tố: yếu tố vật chất do bùn đất và yếu tố sự sống do hơi thở của Thiên Chúa. Theo ông, con người có một sức sống hướng về Thiên Chúa đến nỗi họ được gọi là hơi thở của Thiên Chúa. con người cũng còn được Thiên Chúa quan tâm săn sóc, cho sống nhàn hạ trong khu vườn tại Êđen, họ lại được làm chủ khu vườn và hưởng dụng hoa trái trong đó.

Càng nghĩ ta càng biết ơn Thiên Chúa đã ban ơn soi sáng cho một tác giả xa xưa để ông viết nên những điều sâu sắc như vậy. Ta cũng cảm phục trí khôn tác giả đã có được những suy tư thâm thúy. Chắc chắn đã là một người đạo đức, đã chuyên chú hướng lòng về Thiên Chúa và chuyên ngắm mọi việc kỳ diệu Thiên Chúa làm. Những suy tư của ông đã khai mở trí hiểu và nuôi dưỡng đức tin cho biết bao thế hệ người Do Thái. Nhất là việc hướng lòng về Thiên Chúa mà nghiền ngẫm, để mà suy tư như thế đã giúp chính bản thân ông ngày một sâu về Thiên Chúa và trở nên thanh cao, sốt mến như thế nào.

Tác giả vô danh ấy khác xa những người biệt phái, luật sĩ thời Chúa Giêsu biết bao. Những người này đã bị Chúa Giêsu nghiêm nhặt khiển trách, bởi vì họ đã có một cõi lòng vạy vò, giả dối. Họ tỉ mỉ giữ luật rửa tay, rau chén trước khi ăn, vì họ cho rằng tay bẩn, chén bẩn làm con người ra ô uế, trong khi lại coi nhẹ chính cõi lòng, nơi chất chứa bao nhiêu ý nghĩ xấu xa, bao nhiêu tâm tình ghen tuông thù ghét đối với tha nhân và đủ thứ toan tính phạm tội. Cõi lòng lệch lạc của họ đã làm chính họ ra xấu xa trước mặt Thiên Chúa và làm hại linh hồn của biết bao nhiêu người khác.

Người ta thường nói: tư tưởng chỉ huy hành động. Tùy những điều chất chứa trong cõi lòng mà sẽ có các hành động tốt, hoặc các hành động xấu. Ta hãy xin Chúa Giêsu uốn nắn trái tim ta nên giống trái tim Ngài, trái tim mẫu mực và lý tưởng nhất để ta bắt chước, ngõ hầu cuộc sống hằng ngày của ta cũng giống như cuộc sống của Ngài, tức là chỉ gồm những hành vi tốt, vừa làm cho mình xứng đáng là con người mới trong cuộc tạo thành mới, vừa giúp ích nhiều cho những người sống chung quanh chúng ta.


THỨ NĂM

St 2,18-25; Mc 7,24-30

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta chú tâm thêm vào tình thương của Thiên Chúa đối với con người. bằng những lối nói bóng bẩy, tác giả đoạn sách Khởi Nguyên tiếp tục nêu rõ sự quan tâm và quí yêu của Thiên Chúa.

Trước hết, vì thương, Thiên Chúa chia sẻ quyền chủ tế của Người cho con người. Người cho mọi thú vật diễu hành trước mặt Ađam và để ông đặt tên cho mỗi loài. Theo quan niệm của người Do Thái xưa, chỉ ai cầm quyền cai trị mới có quyền đặt tên. Ađam có quyền hạn gì đối với mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, ngày và đêm, nên ông đâu có được đặt tên cho chúng. Ở đây Thiên Chúa ban cho con người quyền chủ tế trên muôn thú.

Nhất là sự quan tâm của Thiên Chúa đã lộ rõ trong việc liên quan đến việc sống lứa đôi của con người. Vì trong hết mọi loài đi qua trước mặt Ađam, không một loài nào có nhân tính như ông, khiến ông không tìm được một người bạn xứng đôi và cứ cảm thấy cô đơn, Thiên Chúa đã dựng cho ông một người nữ theo khuôn mẫu ông, do chính xương cốt ông, để nên một với ông trong hôn nhân và có một địa vị bên cạnh người đàn ông. Thiên Chúa lại còn ban sự tốt lành cho phái tính và bảo đảm sự vững bền cho hôn nhân, như đoạn cuối bài đọc I vừa cho thấy.

Vậy qua câu chuyện tạo dựng này, tác giả nhắm đề cao sự ưu ái của Thiên Chúa. Như ta biết, sự ưu ái này còn được Thiên Chúa thi thố đối với loài người suốt dòng lịch sử. Sách thánh sẽ còn nhiều lần cho ta thấy rõ điều đó. Tình thương đối với Tổ Tông loài người sẽ còn được Thiên Chúa chứng tỏ với các thế hệ con cháu của họ, với mọi người cũng như từng người.

Đó cũng là điều ta cũng gặp nơi Chúa Giêsu - Con Một của Người. Nhìn Ngài, ta lại như rờ được chính lòng ưu ái của Thiên Chúa. thoạt xem, theo đoạn Tin Mừng hôm nay, Ngài có vẻ giới hạn lòng ưu ái cho nguyên dân Do Thái mà thôi. Ta thấy Ngài chỉ đến Tyrô và Siđôn là miền giáp giới với khu vực dân ngoại, chứ không bước sang đất dân ngoại. Rồi khi người phụ nữ thuộc dân ngoại theo sau nài nỉ, Ngài cứ như giả điếc làm ngơ. Nhất là cuối cùng Ngài lại nói: "Không nên lây bánh của con cái mà ném cho chó". Nghe thì đầy vẻ cứng cỏi. Thế nhưng, chính câu nói cứng cỏi ấy lại khai mở niềm hy vọng. Vì chữ "chó" vừa gợi đến dân ngoại, theo lối gọi của người Do Thái, vừa người ta về sự thân mật, gần gũi giữa chó nuôi và trẻ con trong nhà. Hai bên hầu như không có cách biệt. Trẻ vẫn chơi với chó, vẫn bẻ bánh cho chó ăn. Chính câu khó nghe ấy lại đã xóa bỏ hiềm thù và kỳ thị cố hữu giữa hai bên. Đó là một câu để thử thách người phụ nữ. Và khi thấy lòng tin cũng như lòng khiêm cung của bà ta, Chúa Giêsu đã lập tức ban phép lạ cho bà. Ngài mở rộng lòng ưu ái cho cả kẻ ngoại, vừa minh chứng Ngài là Cha yêu thương hết mọi người, vừa mở lối cho việc Hội Thánh Ngài về sau đón nhận muôn dân vào hưởng gia nghiệp Nước Trời.

Đây mới chỉ là một trong muôn ngàn câu chuyện chứng tỏ rằng cho dù loài người có hẹp hòi, tình yêu bao la của Thiên Chúa vẫn mạnh mẽ và làm nổ tung mọi giới hạn mà loài người đặt ra. Cuộc tạo dựng Tổ Tông - loài người rồi tất cả lịch sử nhân loại chỉ là bằng chứng hữu hình về sự quảng đại ban phát và tận tình quan tâm của Thiên Chúa đối với con người.

Với Chúa Giêsu Thánh Thể - Đấng đã đến trần gian để thể hiện lòng ưu ái của Cha trên trời, ta hãy ý thức rằng ta đã được Thiên Chúa yêu thương như thế chính vì Người muốn mỗi người chúng ta lại trở nên một con tim biết yêu nồng nàn ở giữa trời đất vũ trụ bao la này.


THỨ SÁU

St 3,1-8; Mc 7,31-37

Hôm tạo dựng con người xong, Thiên Chúa đã thấy mọi sự Người làm " tốt lành quá đỗi" (St 1,31). Việc con người sa ngã mà ta vừa nghe đọc có lẽ đã cắt ngang cảm nghĩ hân hoan đó của Thiên Chúa. câu chuyện này có thể được một tác giả sau thời lưu đày viết ra. Ông là người chịu ảnh hưởng của phong trào khôn ngoan. Ông thấy ở thời mình, người ta hay suy nghĩ về việc ở mọi nơi đều có tội lỗi, tội lỗi ở ngay trong tâm hồn mỗi người, rồi người ta cũng hay nói đến cây hằng sống và những thứ cây ban khôn dại, hoặc nói đến rắn như loài quỉ quyệt và như thần sinh đẻ. Ông đã mượn ngay hình ảnh văn chương ấy để diễn tả lời mạc khải của Thiên Chúa. Con rắn dụ dỗ người ta ăn trái cây khôn dại. Nó sắc sảo nên đã cám dỗ Evà là người yếu đuối và là người đã không trực tiếp được nghe lệnh cấm của Chúa. Nó phỉnh lòng hiếu thắng tự kiêu của bà, lôi bà vào tội bất vâng phục, khiến cả Ađam cũng xa ngã.

Dĩ nhiền các chi tiết trong câu chuyện không quan trọng, mặc dù rất giá trị. Ta chỉ cần nhớ chủ đích của tác giả là muốn trình bày một số điểm như: mọi người đều tội lỗi, tội lỗi không phải bởi Chúa nhưng bởi Satan quỉ quyệt, nó ranh mãnh vặn vẹo tiếng nói thần linh trong lòng con người và phỉnh lòng tự ái của họ, con người khờ dại nghe theo nó, phạm tội bất tuân phục và khi mở mắt ra thì thật là bẻ bàng, họ đã lập tức gánh chịu những hình phạt: việc họ thách đố Thiên Chúa, không làm cho họ bằng Thiên Chúa mà chỉ đem tới một hình thức hổ thẹn sâu xa. Phái tính mà Thiên Chúa đã ban cho để họ thông phần tạo dựng với người đã trở nên hỗn loạn. Sự trần truồng đã thành một yếu tố khó chịu nơi hình thể con người. và khốn hơn cả, tình nghĩa chí thân giữa con người và Thiên Chúa đã không còn như trước, hai người đã ẩn núp để lẫn tránh Thiên Chúa.

Việc con người phạm tội là một đổ vỡ thảm hại. Thế nhưng mọi chuyện không chấm dứt ở đó. Đối với Thiên Chúa, không có gì là tuyệt vọng. Tuy biết hai người đã phạm tội, người vẫn đến như mọi ngày và vẫn gọi con người. Chi tiết ấy xác định người vẫn yêu thương, và nhờ đó, lịch sử tội lỗi của loài người từ nay sẽ trở thành lịch sử yêu thương, lịch sử cứu độ.

Bài Tin Mừng đã xuất hiện như câu trả lời cho hành vi bất tuân và phạm tội đó: sau giai đoạn chuẩn bị của thời cựu ước, Thiên Chúa Cha đã sai Con của Người đến cứu độ loài người lầm than. Hôm nay Ngài chữa lành một người điếc và ngọng, hình ảnh của loài người bưng tai trước lời của Thiên Chúa. Thánh Marcô tường thuật một cách có vẻ đơn sơ, nhưng thật là chủ đích của ông thật là thâm thúy. Ông ghi lại nhiều chi tiết giống hệt như trong cách chữa bệnh của các pháp y thời bấy giờ: cũng đưa bệnh nhân ra riêng, cũng nói tiếng ít ai hiểu cho có vẻ huyền bí, cũng rờ tay, xúc nước bọt vào nơi bị bệnh…nhưng ông lại nhắm đề cao Chúa Giêsu: tuy bề ngoài Ngài là người như mọi người, nhưng Ngài lại có khả năg mà không ai đạt được, khiến ta phải tin Ngài là Thiên Chúa giáng trần. Tuy vậy, Ngài chưa cho người ta cao rao về Ngài, vì Ngài chỉ để mạc khải đầy đủ về mình khi chịu chết trên thập giá. Theo thánh Marcô, phép lạ này của Chúa còn ám chỉ đến việc Chúa chữa các tông đồ: vì các ông còn điếc, chưa hiểu lời Ngài:và còn ngọng, chưa phát biểu đúng về Ngài.

Phép lạ này của Chúa đã là dấu chỉ báo trước việc Thiên Chúa cứu cả loài người tội lỗi, vừa cho loài người nhận lại hạnh phúc ban đầu và tái lập tình trạng tốt đẹp của Thiên Chúa lúc mới tạo dựng. Ta vừa nghe câu khen ngợi của dân chúng: "mọi sự, Ngài đã làm cách hoàn hảo". Nghĩa là nhờ công cứu độ của Chúa Giêsu, Thiên Chúa lại có thể nói một cách sung sướng như xưa kia: ta thấy mọi sự tốt lành quá đỗi.

Mỗi người chúng ta vừa thuộc giòng giống tội lỗi vừa thuộc dân tộc đã được Thiên Chúa cứu độ. Đời sống hiện tại của ta vẫn là một cuộc giằng co. Ta xin Chúa Giêsu nâng đỡ mọi lúc, để ta trở thành kẻ chiến thắng tội lỗi, trở nên niềm tự hào và hân hoan cho Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên ta.


THỨ BẢY

St 3, 9-24; Mc 8,1-10

Sau khi con người phạm tội, số phận của họ thật bi đát. Theo lời viết của tác giả sách khởi nguyên, thay vì rộn vui, họ đã sợ hãi khi nghe tiếng bước chân của Thiên Chúa đến gần. Giữa họ với nhau không còn tình liên đới khăng khít mà chỉ là sự trách móc, đổ lỗi cho nhau. Cuộc sống của họ từ đây cũng bắt đầu phải khổ cực: đàn ông phải làm lụng vất vả, đàn bà phải phục quyền chồng, phải mang nặng đẻ đau và cuối cùng cả hai phải trở về bụi đất. Sự khổ đau và sự chết đã bước vào lịch sử của con người.

Tuy vậy, giữa tình cảnh đen tối đó, Thiên Chúa cũng đã để lộ những dấu vết về tình thương của Người đối với con người. Người vẫn đến với họ, vẫn lên tiếng gọi Ađam như mọi khi. Người đã xét xử Satan một cách quyết liệt trước, rồi sau đó mới hạch tội con người. Người đã đặt mối thù giữa quyền lực sự ác của Satan và dòng giống người nữ, tức loài người. Dù cuộc tranh chấp chưa ngã ngũ, nhưng Thiên Chúa như có ý hứa hẹn là phần thắng sẽ thuộc phía loài người, vì dòng giống người đàn bà sẽ đạp nát đầu con rắn là phần cần nhất cho sinh mạng nó, đang khi con rắn chỉ gây được thương tích nơi gót chân dòng giống người nữ mà thôi. Câu này được gọi là "Tin Mừng thứ nhất" bởi vì sau khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã mở cho một chân trời hy vọng. Ngoài ra, Thiên Chúa vẫn còn săn sóc con người, may áo cho họ để đề phòng với thời tiết bên ngoài khu vườn và phần nào như để giúp họ lấy lại sự tự chủ trên chính mình. Cuối cùng, tên Evà cũng gợi lên một niềm hy vọng: dù con người phải chết, nhưng loài người vấn tiếp tục. Như thế tội lỗi không cắt đứt tình thương của Thiên Chúa.

Đó là những điều mà đoạn sách Khởi Nguyên muốn diễn tả bằng một số hình ảnh bóng bẩy hay một số câu nói tượng trưng. Với lịch sử dân Do Thái và nhất là với sự xuất hiện của Chúa Giêsu, ta sẽ thấy những điều bóng bẩy và tượng trưng đó trở thành sự thật. Đúng là qua các biến cố trong dân được tuyển chọn, Thiên Chúa đã tỏ lộ tình thương của Người đối với con người.

Nhất là Con Một của Người đã là hiện thân cụ thể của tình thương ấy. Theo đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chứng tỏ Ngài sâu xa thương quí con người. Sợ họ đói, mệt, Ngài đã làm cho bánh và cá hóa nhiều để nuôi họ. Ngài cũng tế nhị với các môn đệ khi cho các ông được cộng tác vào quyền năng và tình thương của Ngài. Chắc chắn mấy ngàn người hôm ấy đã cảm nghiệm được lòng thương xót ân cần của Ngài, nhất là các Kitô hữu, mỗi khi đọc đoạn Tin Mừng này, chẳng những nhớ lại một phép lạ của Ngài, mà còn nghĩ ngay tới phép Thánh Thể, nên Ngài đã diễn tả hết mức tình thương của Ngài và thực hiện lời hứa khi xưa của Thiên Chúa là đạp dập đầu con rắn để giải thoát chúng ta khỏi sự tội và sự chết. Chính mẹ Maria là người nữ mà đoạn khởi nguyên ám chỉ đến và Chúa Giêsu là dòng giống người nữ ấy và là kẻ vinh thắng trên Satan.

Hằng ngày chúng ta đến dự thánh lễ với ý thức mình là kẻ tội lỗi, kẻ còn bị quyền lực ma quỉ chi phối, nhưng cũng với niềm xác tín là nhờ Chúa Giêsu, ta đã có ơn sức chiến thắng tội lỗi. Xin mẹ Maria và Chúa Giêsu Thánh Thể ôm ấp ta trong tình thương ân cần của các Ngài và làm cho sự thánh thiện ngày càng lan tỏa trong con người, trong cõi lòng và nơi các hành động của ta.
Mới hơn Cũ hơn