Suy niệm Tin mừng Tuần 2 Phục sinh



THỨ HAI TUẦN 2 PHỤC SINH

Ga. 3, 1-8

GIÓ MUỐN THỔI ĐÂU THÌ THỔI

Đức Giêsu đáp : "Thật, tôi bảo thật ông : không có ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt ; Còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là Thần khí. (Ga. 3, 5-6)

Để đào sâu mầu nhiệm phục sinh, cần đọc lại Tin mừng theo thánh Gioan. Đức Giêsu dầu gắn bó với những thực tại dưới đất, Người không ngừng hướng dẫn chúng ta vượt các thực tại đó để đi tới đức tin cho ta đạt tới vinh quang Thiên Chúa. Trong ba ngày này, chúng ta đọc lại cuộc đàm thoại của Đức Giêsu với ông Nicôđêmô. Cần thiết chúng ta phải biết "tái sinh" mới tham dự được vào đời sống của Đức Kitô phục sinh vừa là nguồn sống vừa là cùng đích của ta. Chỉ xác tín niềm tin như ông Nicôđêmô chưa đủ : "Quả thật, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy". Cần phải có biến cố phục sinh để làm cho chúng ta đi sâu vào đời sống mới.

Đời sống mới ở đây cũng như nhiều nơi khác trong Tin mừng thánh Gioan là sinh lại, sinh bởi ơn trên, không do đàn bà, nhưng do ơn Thánh Thần. Ngài là sự sống và là Đấng ban sự sống. Con người xác thịt được trở nên phần tử của nước Thiên Chúa, thành một người mới. Phép Rửa tội sinh ra ta trong Thánh Thần, đó là cách cho ta tham dự vào sự sống lại của Đức Giêsu. Thánh Thần làm cho ta nên con Thiên Chúa, cho ta sống trong con Thiên Chúa, hành động của Ngài khôn lường. Ngài là Thần Khí cao cả hơn lý trí con người, là gió, là hơi thở của Chúa Cha.

Không có sức bật nếu không ở trong Ngài. Chính nhờ Thánh Thần biến đổi dần dần đời sống chúng ta nên mạnh mẽ và gắn bó với Đức Kitô . Trong Ngài ta được thấy nước Thiên Chúa. Nhờ Ngài ta gọi Đức Giêsu là Chúa. Không có thể làm gì mà không Thánh Thần (1Cor. 12, 3). Đức tin không phải là tột đỉnh của suy luận, cũng không phải thần hứng chóng qua, nhưng là sự tìm tòi, phấn đấu chân thành lâu dài mà một người phải chấp nhận luôn luôn khởi sự lại tất cả. Ba Tin mừng nhất lãm đều nói: "Phải trở nên như con trẻ, nhỏ bé, nghèo hèn để đón nhận ơn cứu độ nước trời. Tin mừng Gioan nói đến tái sinh, để nhờ sức mạnh của Thánh Thần làm cho nên "một tạo vật mới" như thánh Phaolô nói trong thư Galata (6, 15).



THỨ BA TUẦN 2 PHỤC SINH

Ga. 3, 7-15

THÁNH THẦN DẪN TỚI ĐÂU

“Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói : Các ông cần sinh ra lại bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi ; Ông nghe tiếng gió, Nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra cũng vậy" (Ga. 3, 7-8)

Trong cuộc đàm đạo với ông Nicôđêmô, sau khi mở cho ông thấy niềm hy vọng được sinh vào đời sống mới, Đức Giêsu đã tự tỏ mình ra, tỏ cuộc sống đã từng trải của Người ra cho ông và nói với ông rằng : "Ai bởi Thánh Thần mà sinh ra thì cũng vậy".

Chính Người đã sinh ra bởi Thánh Thần, nghĩa là Người sống hoàn toàn dưới ảnh hưởng của hoạt động của Thiên Chúa, của động lực Thiên Chúa. Đức Giêsu nói điều mình biết. Điều Người biết về Thiên Chúa thì Người nói ra, nên chứng của Người là chân thật.

Đức Giêsu cũng nói những dự tính về sứ mệnh tương lai của Người. Nên ai sinh ra bởi Thánh Thần không phải chỉ được sống mà còn lãnh một sứ mệnh như Đức Giêsu. Ai sinh bởi Thánh Thần còn được kêu gọi lên cao.

Điều Đức Giêsu dự tính, chính là sứ mệnh cứu chuộc bằng dấu Thánh giá : "Không ai đã lên trời ngoại trừ Con Người đã từ trời xuống", hay như thánh Phaolô nói : "Người đồng phận với Thiên Chúa mà đã không nắm lấy địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, Người đã hủy mình đi, hạ mình xuống làm thân phận loài người".

Tiếp nối cuộc đàm đạo với ông Nicôđêmô, Đức Giêsu nói để được tái sinh, nghĩa là sống dưới ảnh hưởng của Thánh Thần tái tạo, thì phải theo đường lối Thánh Thần đề ra. Bất cứ ai sinh bởi Thánh Thần đều phải bắt tay hành động theo đường lối lên cao, con đường treo lên thập giá, hay nói cách khác, con đường hiến mạng sống mình cho người khác.

Cử hành Thánh lễ là chúng ta sẽ sống cuốn hút vào của lễ Đức Kitô hiến dâng mình cho muôn người, trong khiêm tốn vâng lời Đức Chúa Cha và ngoan ngoãn theo Chúa Thánh Thần. Nhận biết ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần đối với Đức Kitô có thể là lý do chính chúng ta dâng lễ tạ ơn và tiếp rước cũng một Thánh Thần đến trên của lễ chúng ta xin ơn hôm nay.



THỨ TƯ TUẦN 2 PHỤC SINH

Ga. 3, 16-21

YÊU ? PHÁN XÉT ? ÁN PHẠT ?


“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga. 3, 16-17)

Giáo lý dạy chúng ta biết rằng : Những ưu phẩm của Thiên Chúa là tốt lành vô cùng, đáng mến vô cùng, toàn thiện vô cùng, thương xót vô cùng, công bằng vô cùng … Nhưng những ý niệm đó đôi khi có vẻ mâu thuẫn nhau : Làm sao Thiên Chúa thương xót và đáng mến vô cùng lại ra án phạt người ta ?

Bài Tin mừng hôm nay cho biết : tình yêu phán xét, hình phạt, cứu độ. Chúng ta hãy chú ý đến lời Chúa Giêsu nói như thế nào.

Điều quả quyết thứ nhất của Đức Giêsu là Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Bằng chứng của tình yêu này là hiến Con Một Ngài cho chúng ta. Không phải ơn ban thụ động, mà ơn ban một con người sống động đến thực hiện cho loài người điều này là ban cho mỗi người sống đời đời. Trong thái độ Thiên Chúa ưu đãi chúng ta, có tình yêu và sự tốt lành vô cùng là Con Một Ngài đã không đến để ra án phạt.

Nhưng tuy nhiên, như thánh Gioan trưng dẫn quả quyết của Đức Giêsu là chính người ta tự phán xét và tự kết án mình. Người ta tự loại mình khỏi ơn cứu độ khi họ từ chối Đức Kitô, từ chối ảnh hưởng của Ngài, vì họ không tin Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế.

Nhưng chúng ta lại đặt vấn đề này : Người ta là kẻ tội lỗi vì từ chối Chúa, có phải là Thiên Chúa đã không ban đức tin cho họ sao ? Câu hỏi này thuộc phạm vi thần học, không thuộc chương trình của Đức Kitô. Người chỉ nói đến vấn đề hành động chối bỏ của người ta như sau : "Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, sợ rằng các việc họ làm sẽ lên án chê trách họ".

Người ta rất khôn khéo đổ tội từ chối Đức Kitô đó cho Thiên Chúa vì sợ lời Người tố giác, chỉ có sự phán xét do Thiên Chúa, hệ tại ở chỗ Thiên Chúa nhận biết hoàn cảnh người ta làm và tôn trọng sự lựa chọn của người ta.


THỨ NĂM TUẦN 2 PHỤC SINH

Ga. 3, 31-36

TRỜI VÀ ĐẤT BẤT HÒA SAO ?

“Đấng từ trên cao mà đến, thì ở trên mọi người ; Kẻ từ đất mà ra, thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến, thì ở trên mọi người ; Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. Ai nhận lời chứng của Người thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật” (Ga. 3, 31-33)

Từ Công đồng Vatican 2 đã cho chúng ta ý thức lại giá trị và tự trị của những thực thể trái đất thuộc dự tính của con người. Trái đất không phải là thung lũng nước mắt, vật chất và thân xác không là đồ bỏ. Ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô phải ảnh hưởng tới tất cả mọi thực thể. Thánh Phaolô đã nói : "Toàn thể tạo vật đang rên xiết mong chờ sự giải thoát".

Kitô hữu không thể núp mình trong phạm vi hoàn toàn tinh thần và trong thế giới bên kia. Marx đã tố cáo loại người này, họ lãnh đạm trước đau khổ trên trái đất để đi tìm chỗ tốt hơn nơi cao xa, họ còn chẳng làm gì trước bất công và tàn ác, vịn lẽ rằng Thiên Chúa sẽ phạt kẻ giàu và thưởng kẻ nghèo.

Thực ra, rất khó phân lìa và liên kết đất và trời, cũng như những giá trị đất và trời. Hôm nay, Đức Kitô phân biệt một cách như sau : Người nói rằng trời và đất có ngôn ngữ riêng của nó.

Tiếng nói của đất dễ giải nghĩa, vì nó thuộc giác quan của ta. Nhờ đó chúng ta nhận được kiến thức và thông truyền kiến thức.

Tiếng nói của trời khá khó lãnh hội, đó là thứ tiếng chứng từ : Chỉ có Đấng từ trời xuống làm chứng về điều đã thấy, đã nghe, chứng nhận, xác quyết về sự này, điều kia là thực. Còn ngay cả những người được nghe những lời chứng đó cũng không thấy được, biết được sự này, Đấng kia thế nào. Họ cũng không được sống trong diễn biến đó.

Đức Giêsu là chứng nhân của Thiên Chúa, Người đã kể lại những gì đã tồn tại trong Thiên Chúa. Đến lượt chúng ta, chúng ta trở nên chứng nhân của Thiên Chúa, nếu chúng ta là thành phần trong thân thể của Đức Kitô.

Tiếng nói trong Thánh lễ là tiếng làm chứng rằng : Đức Kitô hiện diện trong cộng đồng, chứng thực Thiên Chúa đang hành động qua các dấu chỉ của Thánh lễ. Và người ta sẽ không hiểu gì về những dấu chỉ này trong Thánh lễ hàng ngày và Chúa nhật, nếu người ta không đón nhận tiếng nói của chính Thiên Chúa. 



THỨ SÁU TUẦN 2 PHỤC SINH

Ga. 6, 1-15

DỰ TÍNH TƯƠNG LAI

“Vậy Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. Khi họ đã ăn no nê rồi thì Người bảo các môn đệ : "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiế bánh lúa mạch người ta đã ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói : "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !" (Ga. 6, 1114)

Đã bao giờ chúng ta suy niệm về điểm quan trọng này chưa ? Giáo lý thuở ban đầu đã dạy về phép lạ bánh hóa nhiều bằng sáu câu chuyện tương tự được Tin mừng kể lại. Những câu chuyện này chắc chắn có một số nét chung. Hai lần Đức Giêsu đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều : Một lần từ năm chiếc bánh và hai con cá và thu được mười hai thúng còn dư. Một lần từ bảy chiếc bánh và vài con cá, còn thu được bảy thúng còn dư.

Sự dư thừa dồi dào còn được đối chiếu với câu chuyện Cựu ước trong sách Các Vua từ tám thế kỷ trước Đức Giêsu : Ngôn sứ Êlisê đã làm cho hai mươi tấm bánh hóa ra nhiều cho một trăm người ăn, Chúa cũng đã nói với ngôn sứ : "Họ ăn và còn dư". Cùng đề tài dồi dào dư thừa do lòng quảng đại của Chúa đã được thể hiện lại trong Tin mừng thánh Gioan ở tiệc cưới Cana: Phép lạ nước biến thành rượu, dồi dào đầy những chum nước lớn chứ không chỉ đầy các chai trên bàn tiệc.

Chắc hẳn, việc Đức Giêsu ban dồi dào dư thừa đó không chỉ là rượu, bánh, của ăn vật chất, nhưng chính là Người nữa, vì Người đã nói : "Ta là cây nho thật" và "Ta là bánh ban sự sống". Tất nhiên chúng ta phải nghĩ đến phép Thánh Thể. Toàn thể mầu nhiệm về Đức Kitô hàm chứa trong những câu : "Ta là" đã được Tin mừng thánh Gioan ghi lại : "Ta là … ánh sáng thế gian, là mục tử tốt lành, là cửa chuồng chiên, là sự sống lại và sự sống, là đường, là sự thật và sự sống". Phải là tất cả những gì chúng ta cần : bánh, rượu, ánh sáng, sự sống, che chở, hướng dẫn, Đức Giêsu là tất cả thứ đó. Thánh Gioan thêm một định nghĩa nữa Đức Giêsu là Ngôi Lời, nghĩa là Lời Hằng Sống. Với Gioan, Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, Đấng nói với chính Gioan và với thế nhân, Đấng đã tự nói ra qua các tín hữu của mình … Như thánh Phaolô đã gọi : Đức Kitô toàn diện, Đức Kitô phục sinh đã nhập thể vào tất cả các kẻ tin nhờ Thánh Thần.

Chúng ta cần phải sống với Đức Giêsu, Đấng đã nuôi dưỡng và tái tạo chúng ta trong Thánh Thần, Đấng đã ban Thánh Thần cho chúng ta, đổi mới chúng ta luôn mãi, Đấng là nguồn mạch sự sống không ngừng, đó là nguồn suối trường sinh khôn lường. Con người mới mà thánh Phaolô nói với chúng ta, phải thanh tẩy không ngừng, làm việc không ngừng để phụng sự Thiên Chúa. Đấng là nguồn suối chặn đứng mọi cơn khát và mọi già nua, suy thoái của chúng ta. 



THỨ BẢY TUẦN 2 PHỤC SINH

Ga. 6, 16-21

ĐỪNG SỢ, THẦY ĐÂY

“Chiều đến các môn đệ xuống Biển Hồ, rồi xuống thuyền đi về phía Caphácnaum bên kia Biển Hồ. Trời đã tối mà Đức Giêsu còn chưa đến với các ông. Biển động vì gió thổi mạnh. Khi đã chèo được chừng hai mươi lăm hoặc ba mươi chặng đường, các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ”. (Ga. 6, 1619)

Sau ngày làm phép lạ bánh hóa nhiều đáng ghi nhớ, các môn đệ lại xuống thuyền vượt biển trở về Caphácnaum. Còn Đức Giêsu ở lại cầu nguyện tới khuya như thói quen mọi ngày. Các tông đồ vất vả chèo thuyền vượt bão biển.

Đó cũng là những kinh nghiệm thường xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Sau khi chúng ta được nuôi dưỡng bằng bánh hằng sống, sau những cảm nghiệm sống đức tin mạnh mẽ, chúng ta lại cảm thấy cô đơn bắt tay vào công việc chẳng thấy tiến bộ gì.

Bao nhiêu thắc mắc vùng dậy : tại sao Đức Giêsu không đến với chúng ta, đồng hành với ta, nâng đỡ ta?

Cần phải nhận biết rằng Đức Giêsu muốn để chúng ta đi một mình, vì chúng ta là tạo vật có trách nhiệm. Đức tin vào Người không san bằng những khó khăn, không dẹp tan giông tố. Đức tin không nhổ sạch các chông gai, trở ngại. Kitô hữu đừng lầm tưởng đạo Chúa Kitô là một đạo dễ dãi, một đạo xây nhà trú ẩn khỏi mọi nỗi lo sợ chiến đấu.

Hơn nữa, nếu Đức Giêsu để các môn đệ đi một mình, chính là chỉ cho ta biết phải lo hành động, phải tập bước, phải cố gắng tự làm một mình, không lười biếng, ỷ nại vào Thiên Chúa. Đó là những thái độ quyết định và giải đáp của con người có nhân bản.

Có thể chúng ta sợ thiếu vắng Đức Giêsu vì chúng ta đã quá quen với những sự bao che của gia đình, của trường học và xã hội. Nay đã đến thời tất cả các thể chế đó không còn nói gì đến Đức Giêsu nữa, nên chúng ta bơ vơ lạc lõng không dám tự đi, không dám tiến lên, không dám tự động hành đạo. Chúng ta sợ không thấy Đức Giêsu đứng chờ bên kia chướng ngại vật, sau cơn bão tố nữa.

Tin mừng cho chúng ta thấy lý do cần phải chúc tụng Thiên Chúa vì biết rằng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta có tự do và trách nhiệm để chúng ta biết quyết định và thăng tiến.

Nhưng chúng ta phải biết luôn luôn cầu nguyện xin Chúa nối kết, đồng hành và tiếp sức cho chúng ta tới bến bờ bên kia, cầu nguyện để tăng thêm lòng trông cậy tin tưởng Ngài ở đó để ban sức mạnh cho chúng ta đạt tới đích muôn đời.
Mới hơn Cũ hơn