(St 18,20-32; Tv 137; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13)
✠ Tin
mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
Một hôm, Đức Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia, Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
“Lạy Cha, xin làm cho Danh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến. Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con; và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, nửa đêm đến nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có người bạn lỡ đường ghé lại mà tôi không có gì đãi cả!’, mà người kia từ trong nhà đáp: ‘Đừng quấy rầy tôi! Cửa đã đóng rồi, con cái tôi và tôi đã lên giường nằm, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’
Thầy nói cho anh em hay: dù người kia không dậy để cho anh vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho anh tất cả những gì anh cần, vì anh cứ lì lợm quấy rầy.
Thế nên, Thầy bảo anh em: Hãy xin, thì sẽ được; hãy tìm, thì sẽ thấy; hãy gõ, thì sẽ mở cho. Vì phàm ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ thì sẽ mở cho.
Ai trong anh em là người làm cha, khi con xin cá, mà lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bò cạp? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những điều tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai cầu xin Người!”.
Suy niệm
Thánh Luca bắt đầu bài Tin Mừng hôm nay bằng một khung cảnh thánh thiện : Chúa Giêsu đang cầu nguyện. Và chính từ việc chiêm ngắm Người cầu nguyện, các môn đệ đã xin: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.
Lời thỉnh cầu ấy không chỉ khai sinh ra Kinh Lạy Cha, kinh nguyện quý giá nhất của Kitô giáo, mà còn mở ra một cuộc cách mạng trong tâm hồn: lần đầu tiên, con người được mời gọi thưa với Thiên Chúa là “Cha”. Và từ đây, cầu nguyện không còn là một nghi lễ xa cách, nhưng là một cuộc trò chuyện thân mật giữa con cái với Cha mình. Và chính nhịp cầu tình yêu này là trung tâm sống động của đức tin Kitô giáo.
Tuy vậy, trong đời sống thường ngày không ít người, kể cả những tín hữu sống đạo lâu năm, vẫn thắc mắc: Cầu nguyện thế nào cho đúng? Phải chăng cầu nguyện là hành vi thuyết phục Thiên Chúa hành động theo ý muốn của mình?
Cầu nguyện, một cuộc đối thoại tình thân
Bài đọc thứ nhất (St 18,20-32) kể lại cuộc đối thoại đặc biệt giữa Abraham và Thiên Chúa. Đó không chỉ là một cuộc thương lượng theo kiểu thị trường, mà là một mối thân tình sâu sắc. Abraham không ngại nài nỉ, “mặc cả” với Thiên Chúa để cứu lấy thành phố trụy lạc Sôđôma. Abraham không xin điều gì cho mình, mà ông cầu thay cho người khác, cho cả những kẻ tội lỗi.
Lời cầu nguyện của ông xuất phát từ một tấm lòng nhân hậu, tin tưởng vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Tương quan ấy không dựa trên công trạng, nhưng trên tình bạn với Thiên Chúa, đến mức Kinh Thánh gọi ông là “bạn của Thiên Chúa” (x. Is 41,8).
Qua Abraham, chúng ta hiểu rằng: cầu nguyện không phải là ép buộc Thiên Chúa hành động, mà là đặt mình trong lòng thương xót của Ngài, cho anh em mình, cho thế giới.
Cầu nguyện là đi vào tương quan con thảo với Thiên Chúa
Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 11,1-13) Chúa Giêsu không dạy các môn đệ một công thức suông, nhưng dạy cho họ một lối sống cầu nguyện mới, bước vào một tương quan con thảo, bắt đầu bằng lời: “Lạy Cha chúng con…”
Gọi Thiên Chúa là “Cha” là hành vi của đức tin. Điều này mở ra ba chiều kích căn bản:
Nhận mình là con, sống trong tình yêu và sự phó thác.
Bước vào một mối quan hệ dựa trên lòng tin cậy, không phải sự sợ hãi.
Từ bỏ thái độ xin ơn ích kỷ, để sống tinh thần huynh đệ: “Cha chúng con”, nghĩa là tôi không thể cầu nguyện chân thực nếu tôi loại trừ anh em mình.
Từ đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: hãy cầu nguyện với lòng tín thác, như đứa trẻ chạy đến với cha mình, và cầu nguyện không chỉ bằng môi miệng, mà bằng cả cuộc sống.
Cầu nguyện để thay đổi chính mình
Chúng ta thường nghĩ rằng cầu nguyện là “thuyết phục” Thiên Chúa. Nhưng thực ra, cầu nguyện không làm thay đổi ý định của Chúa, mà thay đổi chính chúng ta. Dụ ngôn về người bạn đến xin bánh lúc nửa đêm càng làm sáng tỏ điều này. Sức mạnh của lời cầu nguyện không nằm ở việc chúng ta “lì lợm” để Thiên Chúa phải mệt mỏi mà ban cho, nhưng nằm ở sự kiên trì của lòng tin. Sự kiên trì ấy không làm thay đổi Thiên Chúa, mà hoán cải chính tâm hồn chúng ta: giúp ta trở nên khiêm nhường hơn, biết lắng nghe hơn, và sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa thay vì áp đặt ý riêng mình.
Chúa kết luận: “Nếu anh em là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những ai kêu xin Người sao?”
Lời cầu nguyện, dù đơn sơ, có sức mạnh biến đổi hoàn cảnh, không phải nhờ chúng ta, mà nhờ tình yêu quảng đại vô biên của Thiên Chúa.
Bảy nguyên tắc của Kinh Lạy Cha
Kinh Lạy Cha không chỉ là lời kinh, nhưng là bản đồ thiêng liêng, hướng dẫn chúng ta sống đức tin trong từng bước đời thường:
1. “Lạy Cha chúng con ở trên trời”
Nguyên tắc đầu tiên trong việc cầu nguyện là đức tin. Ta không thể thấy Thiên Chúa bằng mắt trần, nhưng tin rằng Ngài hiện diện và yêu thương chúng ta như một người Cha.
Cầu nguyện không phải là lặp lại lời vô hồn, không trò chuyện với một siêu cường xa lạ, không quan tâm đến chúng ta, mà là với người Cha thân yêu nhất, Đấng gần gũi chúng ta nhất và quan tâm đến chúng ta hơn cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng: Ngài thậm chí còn quan tâm đến từng sợi tóc của chúng ta (x. Lc 12,7). Thiên Chúa không xa cách nơi trời cao, nhưng ở một vị trí "trên trời", nghĩa là thấy rõ mọi sự, thấu cảm mọi nỗi lòng, và sẵn sàng lắng nghe như người Cha giàu lòng trắc ẩn.
2. “Nguyện danh cha cả sáng”
Nguyên tắc thứ hai, cầu nguyện là bước vào sự hiện diện thánh thiêng của Thiên Chúa. Điều này được thực hiện trước hết bằng việc đến với Thiên Chúa trong kinh nguyện với lòng tôn kính xứng hợp. Thứ hai, chúng ta thừa nhận sự thánh thiện tối cao của Ngài bằng việc ca ngợi Ngài.
3. “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”
Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng: cầu nguyện đích thực không phải là ép buộc Thiên Chúa làm theo ý mình, mà là xin cho mình biết sống theo ý Ngài. Đây chính là thái độ cầu nguyện của Chúa Giêsu trong cơn hấp hối tại Vườn Cây Dầu, khi Người cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin vâng theo ý Cha.” (Mt 26,39). Do đó, nguyên tắc thứ ba của việc cầu nguyện là lời khẩn cầu (lời xin) đầu tiên và tốt nhất là xin cho thánh ý Chúa được thể hiện trong cuộc đời chúng ta.
4. “Xin cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”
Việc xin Thiên Chúa ban cho chúng ta những nhu cầu hằng ngày là một sự thừa nhận rằng chúng ta lệ thuộc vào Ngài. Vì vậy, trong lời cầu nguyện, chúng ta có thể xin Thiên Chúa chu cấp cho chúng ta. Thiên Chúa không chê trách khi ta xin ơn lành, kể cả những điều bé nhỏ như miếng cơm manh áo. Tuy nhiên, lời cầu xin ấy phải đi kèm với tinh thần tín thác: biết rằng Chúa sẽ ban điều ta cần chứ không luôn là điều ta muốn. Và Ngài ban theo lượng từ bi của Ngài, chứ không theo cách tính toán ích kỷ của con người.
5. “Xin tha nợ chúng con”
Dù đứng, quỳ hay ngồi cầu nguyện, ý thức về sự thánh thiện cao cả của Thiên Chúa phải thôi thúc chúng ta thú nhận tội lỗi của mình với Ngài. Do đó, nguyên tắc thứ năm là cầu nguyện phải được thực hiện với lòng thống hối và khiêm nhường. Cầu nguyện đích thực là cởi mở tâm hồn để xin ơn tha thứ. Người xin “bánh hằng ngày” không thể tiếp tục nhào nặn đời mình bằng “bột tội lỗi”. Chính vì thế, mỗi lời cầu nguyện cần được đan xen với lời sám hối, và một quyết tâm canh tân đời sống.
6. “Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”
Một người không thể đón nhận ơn tha thứ nếu lòng còn chất chứa hận thù. Chúa Giêsu nói rõ: “Nếu anh em không tha lỗi cho người khác, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” (Mt 6,15). Trước khi đến bàn thờ, ta được mời gọi hòa giải với người anh em (x. Mt 5,23-24). Vì vậy, Ngài muốn chúng ta thể hiện một dấu chỉ của sự tha thứ mà chúng ta mong nhận được từ Ngài bằng cách tha thứ cho người khác trước khi chúng ta thưa chuyện với Ngài trong kinh nguyện. Do đó, nguyên tắc thứ sáu là hãy tha thứ cho người khác trước khi bạn tìm kiếm lòng thương xót của Thiên Chúa.
7. “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”
Thánh Phaolô nhắc rằng cuộc chiến đức tin không chỉ là chiến đấu với xác thịt, mà là cuộc giao tranh thiêng liêng với các thế lực thần thiêng sự dữ (x. Ep 6,12). Vì thế, người tín hữu cần không ngừng cầu xin Chúa bảo vệ mình khỏi cám dỗ, khỏi sự dữ, và khỏi chính sự yếu đuối nơi bản thân.
Bất cứ ai cũng có thể cầu nguyện
Cầu nguyện không dành riêng cho linh mục, tu sĩ hay những người đạo đức đặc biệt. Đó là hơi thở của mọi người Kitô hữu. Dù là người mẹ bận rộn nuôi con, người lao động tay chân, sinh viên lo toan bài vở hay người bệnh nằm trên giường, bất cứ ai cũng có thể cầu nguyện.
Cầu nguyện không cần lời lẽ hoa mỹ, chỉ cần một tấm lòng đơn sơ. Không cần hoàn cảnh lý tưởng, chỉ cần một trái tim mở ra cho Thiên Chúa. Dù chỉ là lời thì thầm: “Lạy Cha…”, Thiên Chúa đã lắng nghe.
Câu hỏi suy tư cùng cộng đoàn
Tôi có thực sự cầu nguyện như một người con thưa chuyện với Cha, hay tôi chỉ lặp lại những điều thuộc lòng mà không để lòng mình lên tiếng?
Tôi có thật sự tín thác vào Chúa cho những nhu cầu của tôi hay tôi muốn Chúa thực hiện điều đó theo ý muốn của tôi?
Lời nguyện
Lạy Cha là Thiên Chúa của chúng con,
Chúng con tạ ơn Cha vì đã dạy chúng con cầu nguyện, không như một nghi thức xa lạ, mà như một tương quan sống động giữa con và Cha, giữa tình yêu và sự tín thác.
Xin dạy chúng con biết cầu nguyện như Abraham, với lòng can đảm và niềm hy vọng.
Xin dạy chúng con biết cầu nguyện như Đức Giêsu, với tâm tình con thảo và lòng phó thác tuyệt đối.
Xin dạy chúng con biết cầu nguyện như trẻ thơ, với trái tim đơn sơ và sự hiện diện yêu thương.
Xin ban Thánh Thần, Hơi thở của cầu nguyện, đến với chúng con, để mỗi lời cầu nguyện của chúng con trở nên tiếng nói của tình yêu, của niềm tin và của sự hiệp thông.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
G. Võ Tá Hoàng
Những bài cùng chủ đề