Điều chúng ta tin. Phần 5: Giáo hội của Vinh quang và Tình yêu (Ga 17,4-10)



Joshua J. Whitfield

Khi Đức Giêsu tiếp tục lời cầu nguyện của Ngài trong chương 17 Tin mừng Gioan, Ngài vẫn nói về vinh quang.

“Con đã tôn vinh Cha dưới đất này bằng việc hoàn tất công trình mà Cha đã trao phó cho Con” (Ga 17,4). Thánh Augustinô nghĩ rằng ở đây Đức Giêsu đang nói trước về khổ hình thập giá sắp xảy đến. Thánh Tôma Aquinô cũng nghĩ những lời này chỉ về cuộc Khổ nạn, bởi vì theo một nghĩa nào đó, điều đó “đã bắt đầu”. Nhưng thánh Tôma còn hiểu công trình được nhắc đến hiển nhiên quy chiếu về giáo huấn tại thế của Đức Giêsu, nghĩa là tất cả những gì được tìm thấy trong các Tin mừng tính đến thời điểm này – lời Ngài rao giảng, phép lạ Ngài thực hiện. Vinh quang mà Đức Giêsu cầu nguyện vào lúc ấy hợp thành một khối với toàn bộ đời sống của Ngài. Cùng một vinh quang trong cả đời sống lẫn cái chết.

“Giờ đây, lạy Cha, xin tôn vinh Con bên Cha với vinh quang mà Con có cùng Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,5). Thánh Tôma Aquinô đồng ý với thánh Augustinô về cách hiểu câu này: ở đây, Đức Kitô, trong bản tính nhân loại, xin Chúa Cha tôn vinh bản tính nhân loại của mình bằng chính vinh quang mà Đức Kitô trong bản tính thần linh đã luôn sở hữu, từ “trước khi thế gian được tạo thành”. Trước đó Đức Giêsu đã nói với họ: “Ta phát xuất tự Chúa Cha và đã đến trong thế gian. Giờ đây ta lìa bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha” (Ga 16,28). Tác giả Tin mừng và các Kitô hữu sơ thời khác hiểu rằng Đức Kitô đã ở cùng Chúa Cha trước cả khi thế giới hiện hữu – ngoài thời gian, Ngài “được sinh ra mà không phải được tạo thành” như Tín biểu Nicea chúng ta tuyên xưng, và hằng hữu cùng với Chúa Cha. Đó là lý do Chúa Cha và Chúa Con “đồng bản thể” như chúng ta đọc trong kinh Tin kính.

Đức Giêsu đã gợi ý điều này từ sớm trong Tin mừng khi nói những lời tương tự: “Cho đến nay, Cha Ta vẫn làm việc, vậy Ta cũng làm việc”. Khi Đức Giêsu nói điều này, Tin mừng cho biết người ta lại “càng tìm cách giết Ngài hơn nữa, bởi Ngài không chỉ phá luật ngày sabát, nhưng còn gọi Thiên Chúa là Cha của mình, tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5,17-18). Như bạn thấy, lý do các phép lạ Đức Giêsu thực hiện vào ngày sabát gây cớ vấp phạm đến vậy là bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới làm việc vào ngày này. Khi nói rằng Ngài làm việc như Cha Ngài làm việc, người nghe lập tức hiểu điều Ngài muốn truyền đạt. Thậm chí Ngài còn đề cập rõ hơn sau đó trong Tin mừng khi nói: “Chúa Cha và Ta là một” (Ga 10,30). Bởi vì ngay từ đầu, các Kitô hữu hiểu rằng những gì bạn nói về Đấng Thánh của Israel thì bạn cũng phải nói về Đức Giêsu. Họ không có thứ ngôn ngữ triết học như Giáo hội sử dụng về sau, nhưng họ biết Đức Giêsu chia sẻ vinh quang với Chúa Cha ngay từ ban đầu. Trước đó trong Tin mừng, Philipphê đã xin Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin cho chúng con thấy Chúa Cha”. Đức Giêsu trả lời ông: “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha” (Ga 14,8-9). Một số người đặt giả thuyết rằng các Kitô hữu chỉ phát kiến ra ý tưởng về thần tính của Đức Giêsu vào khoảng thế kỷ thứ tư. Nhưng chỉ cần đọc lướt qua Tân ước cũng thấy được rằng điều này rõ ràng vô lý. Các Kitô hữu sơ thời đã tin Đức Giêsu là Thiên Chúa. Chắc chắn họ không có từ vựng của thế kỷ thứ tư, nhưng họ vẫn tin vào điều đó.

Quay trở lại chương 17 Tin mừng Gioan, điều Đức Giêsu cầu xin Cha Ngài thực hiện, đó là nâng Ngài lên trong bản tính nhân loại. Vào giờ của tối tăm và bội phản, Đức Giêsu vẫn nói về ving quang, vinh quang của công cuộc rao giảng, của đời sống và cái chết của Ngài. Ngài đang cầu xin Cha Ngài, theo ngôn ngữ Phaolô dùng sau này, siêu tôn Ngài, ban cho Ngài danh “vượt trên hết mọi danh”, [hầu khi nghe] “danh Giêsu”, mọi đầu gối phải bái quỳ và tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô là Chúa để tôn vinh Thiên Chúa Cha” (Pl 2,9-11). Một lần nữa, chí ít ta cũng rất đỗi kinh ngạc về việc cầu nguyện đang khi cận kề đòn roi và cái chết, cận kề những biến cố xem ra chẳng có gì đáng để tôn vinh – ngoại trừ đối với những người tin. Họ sẽ nhìn thấy. Họ sẽ tin, và tìm thấy sự sống đời đời (Ga 8,28; 3,14-15).

“Con đã mặc khải Danh Cha cho những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, Cha đã ban cho con, và chúng đã tuân giữ lời Cha” (Ga 17,6). Lúc này Đức Giêsu nói về các môn đệ – nhóm Mười hai, nhóm bảy mươi và những người khác. Ngài đã trung thành trong việc chuyển trao lời, cũng như họ trung thành trong việc tuân giữ lời.

“Giờ đây, họ biết rằng tất cả mọi sự Cha ban cho Con đều phát xuất từ Cha, vì Con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho Con; họ đã nhận lời ấy, họ biết thật rằng Con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai Con” (Ga 17,7-8). Đức Giêsu đang nói về các môn đệ của Ngài; họ đã đón nhận, đã hiểu và đã tin. Nhưng hãy lưu ý đến điều đang bắt đầu hiển lộ, một vận động, một sứ vụ khởi đi từ trong Thiên Chúa: “tất cả mọi sự… lời”, mà Chúa Cha trao cho Chúa Con, Chúa Con lại trao cho các môn đệ. Dĩ nhiên, điều được trao ban là chính Đức Giêsu. Chúng ta cần lưu tâm đến tiến trình, đến động hướng, điều sẽ được nói rõ hơn về sau: Chúa Cha sai phái Chúa Con và Chúa Con kêu gọi và sai phái các môn đệ, đặt họ làm “tông đồ”, nghĩa là “được sai đi”. Các môn đệ hiểu rằng sứ vụ của họ là ra đi và loan báo về Đức Giêsu, chuyển trao lời như Đức Giêsu đã trao ban nó cho họ. Sứ vụ là rao giảng Đức Giêsu – Đấng cùng chia sẻ vinh quang với Chúa Cha từ trước khi thế gian được tạo thành – Đấng là một với Chúa Cha, Đấng trao ban sự sống đời đời.

Rồi Đức Giêsu tiếp tục: “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi họ thuộc về Cha, và mọi sự của con đều là của Cha và mọi sự của Cha đều là của Con, và con được tôn vinh nơi họ (Ga 17,9-10). Điều này thật cuốn hút. Đức Giêsu không cầu nguyện cho thế gian, nhưng chỉ cho các môn đệ. Phải chăng Đức Giêsu đang loại trừ, đang thấy khó chịu với những kẻ đã không đón nhận Ngài? Tôi không hề nghĩ như vậy. Đúng hơn, điều này cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn về cách thế Đức Giêsu cứu độ chúng ta, đó là thông qua con đường của tình yêu vừa thực sự thần linh nhưng cũng hết sức nhân loại.

Hãy nghĩ về tình yêu ấy theo cách này, tôi có một người bạn tên Mark. Tôi yêu thương Mark như một người anh em trong Đức Kitô. Nhưng thực sự là tôi yêu vợ mình hơn yêu anh ta. Không hề có ai lấy làm lạ việc tôi yêu vợ mình hơn Mark cả. Nhưng sẽ kỳ quặc nếu tôi yêu họ như nhau. Và đó là lý do nơi công trình tạo dựng, những tình yêu dành riêng về mặt luân lý như chúng ta kinh nghiệm là điều gì đó rất tốt đẹp. Tôi cần phải yêu vợ mình hơn bất kỳ ai khác bằng một tình yêu không san sẻ. Và bạn cũng cần bỏ lại tất cả những người khác để yêu vợ hay chồng mình, vì bạn không yêu bất kỳ ai đến mức ấy. Nhưng tại sao? Tại vì khi bạn yêu một ai đó cách độc đáo và cá biệt, bạn sẽ biết yêu những người khác cho đúng đắn. Tình yêu cơ bản nhất ấy sẽ thiết lập trật tự cho tất cả những tình yêu còn lại. Chẳng hạn, tôi yêu con cái của mình hơn con cái của bạn, và đó là điều đúng đắn. Thiên Chúa trao cho tôi một tình yêu độc đáo, mãnh liệt để tôi trao cho con cái của mình, đó là điều tôi phải dành cho chúng, là điều tôi không có để dành cho con cái của bạn, và nó giúp cho con cái của tôi học biết được ý nghĩa của một tình yêu thực sự – để đến lượt mình, chúng có thể yêu một cách đúng đắn, và cứ tiếp tục như thế. Tình yêu độc nhất và có tính chiếm hữu về mặt luân lý là cách thế mà tình yêu lan tỏa trong thế giới này. Đó chỉ đơn thuần là cách thế tự nhiên để tình yêu triển nở. Tình yêu cá vị luôn đi trước tình yêu đại đồng. Đây chính là cách mà tình yêu hoạt động.

Vì thế chúng ta hãy lắng nghe một lần nữa những lời của của Đức Giêsu: “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con” (Ga 17,9). Đức Giêsu yêu bằng chính tình yêu độc đáo, dành riêng, thân mật và cá vị. Ngài biết rằng khi Ngài yêu các môn đệ theo cách ấy và khi các môn đệ này yêu những môn đệ khác như vậy, thì tình yêu sẽ lan tỏa, bởi vì tất cả chúng ta đều đã trải nghiệm, đều yêu và được yêu theo cách thân mật và cá vị như thế. Như bạn thấy, Kitô giáo không phải là một thứ cương lĩnh chính trị, một hệ thống giáo điều hay một tập hợp các luận đề triết học trừu tượng nào đó. Thay vào đấy, Kitô giáo đơn giản là tình yêu được triển nở. Vậy nên, ở đây đúng là Đức Giêsu không cầu nguyện cho toàn bộ thế gian. Nhưng điều này hoàn toàn hữu lý, bởi Ngài yêu bằng một tình yêu trọn vẹn thần linh và cũng trọn vẹn nhân loại. Vì yêu thương các môn đệ, Ngài cầu nguyện cho họ bằng một tình yêu – qua Giáo hội, theo thời gian – sẽ bao trùm cả thế giới. Đây là một tình yêu thông phần vào vinh quang của Chúa Cha và Chúa Con, chứ không hề là một tình yêu theo kiểu thế gian. Nhờ đó, chúng ta khám phá ra chính căn nguyên của Giáo hội, của sứ vụ. Tất cả bắt đầu từ trong Thiên Chúa và trong tình yêu nơi những kẻ tin.

Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Mới hơn Cũ hơn