Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, Tuần 2, năm chẵn


 

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN II, NĂM CHẴN

THỨ HAI

1Sm 15,16-23; Mc 2,18-22

Câu chuyện về vua Saolê và về những nhóm đạo đức thời Chúa Giêsu cho thấy là trong đời sống đạo, trong những liên lạc giữa con người với Thiên Chúa, ý riêng của con người, cái tôi của con người rất dễ xen vào và làm hư tất cả mọi sự.

Tuy được Thiên Chúa đích thân chỉ định và được tiên tri Samuel xức dầu tấn phong, vua Saolê chỉ làm vua được một thời gian ngắn và bị truất phế, bởi vì vua đã sống theo ý riêng của mình. Thiên Chúa truyền lệnh cho vua đi tru diệt quân Amaleo và được chạy theo chiến lợi phẩm. Vua đã trái lệnh, thu tích chiến lợi phẩm. Hôm nay, vua chữa mình bằng cách nói là đã để dân chúng lấy những vật nhất hạng trong số các chiến lợi phẩm để dâng cho Thiên Chúa. Nhưng đối với Thiên Chúa, vâng lời trọng hơn của lễ. Làm ý Thiên Chúa mới là việc chính yếu.

Hai nhóm đạo đức là nhóm Gioan Tẩy Giả và nhóm biệt phái thời Chúa Giêsu cũng thế. Họ là những người ăn chay nhiều, thường mỗi tuần hai lần. Ý hướng của họ thì đáng khen: họ ăn chay để dọn mình xứng đáng đón tiếp Thiên Chúa đến. Nhưng dần dà, cách ăn chay của họ không còn đáng khen mấy: họ chỉ cốt phô trương, khoe mình trước mặt kẻ khác, họ chỉ cốt tìm cái tôi, thậm chí có thể nói, họ muốn vượt mặt Thiên Chúa: vì họ đi đến chỗ làm như nhờ nỗ lực của họ mà Thiên Chúa sẽ đến, làm như chính họ thẩm định việc Chúa đã đến hay chưa đến. Họ không còn biết mở mắt để thấy dấu hiệu của Nước Trời nơi lời giảng đầy uy quyền và sự mới mẻ của Chúa Giêsu, nơi các phép lạ Chúa làm. Ý riêng và cái tôi đã làm họ ra mù quáng.

Trong câu trả lời cho họ hôm nay, Chúa Giêsu nêu lý do mạnh của việc Ngài không ăn chay: đó là Nước Trời đã đến, tiệc cưới cánh chung như Cựu ước hay báo trước đang diễn ra. Chúa Giêsu là lang quân, các môn đệ là bạn của lang quân. Họ không cần phải ăn chay giữa khi đang dự tiệc vui.

Nhưng một cách gián tiếp, Chúa cũng muốn họ hãy xét lại lối ăn chay giả hình, nặng tính cách phô trương và hời hợt mà họ đang áp dụng. Chúa Giêsu cũng không ăn chay kiểu ấy, vì đó là lối ăn chay không có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu không ăn chay như họ, nhưng trong thực tế, cả đời của Chúa Giêsu vẫn là một cuộc ăn chay đúng nghĩa, vì là một đời bỏ mình, từ bỏ cái tôi và ý riêng, để sống tận tình cho ý Thiên Chúa.

Chúng ta cầu xin Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng tự hủy mình hoàn toàn trong mầu nhiệm bàn thờ, xin Ngài giúp chúng ta xua trừ ảnh hưởng của cái tôi và tính khoe khoang tự mãn, để trong liên hệ giữa chúng ta với Cha trên trời, chúng ta luôn làm đẹp lòng Cha bằng thái độ ngoan ngoãn vâng theo và thực thi ý Cha.


THỨ BA

1Sm 16,1-13; Mc 2,23-28

Lời Đức Giêsu nói về vai trò của ngày Sabát hôm nay: “Ngày Sabát được lập ra vì con người”, đưa chúng ta trở lại với thuở khai nguyên vũ trụ.

Theo sách Sáng Thế (1,1-2,4a), con người là đỉnh cao của công cuộc tạo dựng, là đối tượng của lòng Thiên Chúa ưu ái đặc biệt. Còn ngày Sabát được lập ra là để “nghỉ ngơi”: vừa bồi dưỡng về thể lý bằng việc thư giãn cơ thể, vừa bồi dưỡng về tinh thần bằng việc hướng lòng lên Thiên Chúa, là cội nguồn của vạn vật, để tôn vinh thờ phượng Thiên Chúa.

Tất cả các định chế, các tập quán trong Hội Thánh đều có mục đích như thế cả: phục vụ con người, giúp con người tiến dần về với Thiên Chúa là nguồn suối của mình. Ngày nào đó, khi mà người ta hy sinh con người để bảo vệ định chế, người ta đã lạc xa ý muốn của Đấng Tạo Hóa.

Các Kitô hữu, đặc biệt các vị mục tử, phải ý thức về vai trò ấy của các định chế, cũng như ý thức về sứ mạng của mình: giống như Đavít, các Kitô hữu cũng đã được “xức dầu”. Việc xức dầu ấy có mục đích biến họ trở thành những con người phục vụ hạnh phúc của anh chị em mình, nhờ biết vận dụng các cơ chế, các tập quán trong Hội Thánh. Luôn luôn bác ái phải là động cơ tối hậu thúc đẩy họ trong sứ vụ này.

Chúng ta sắp tiếp tục thánh lễ và sẽ nhận được Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng. Chúng ta hãy để cho mình thấm nhuần các tâm tình của Chúa, là Ngôi Lời Tạo Dựng, cũng là Đấng cứu chuộc chúng ta.


THỨ TƯ

1Sm 17,32-33.37.40-51; Mc 3,1-6

Hai bai Thánh Kinh hôm nay đặt trước mắt chúng ta hai mẫu người đối chọi nhau. Trước hết, Đavít là mẫu người không sống vì mình mà vì kẻ khác: nghĩa là ông sống cho dân tộc của mình; vì sự sống còn của dân tộc, ông đến trình diện với vua Saolê để thay mặt dân mình chiến đấu với Gôliat, vì dân tộc, ông liều chấp nhận mọi hiểm nguy .

Nhất là ông sống vì Thiên Chúa: trong có mấy lời của ông, chúng ta đã thấy Thiên Chúa được đề cao là Đấng giải thoát, là chủ trận chiến, là Đấng sẽ trao quân địch vào tay người Do Thái. Ông tuyệt đối tin tưởng, cậy dựa vào Chúa: sống và chiến đấu vì Chúa. Tuy mảnh mai, thấp bé, ông tin chắc mình sẽ đại thắng nhờ có Thiên Chúa ở cùng và trợ giúp. Đó là điều mà những ai biết bám víu vào Chúa luôn cảm nghiệm được: tuy hèn kém, tuy việc họ làm đểu tầm thường, nhưng bao giờ kết quả cũng lớn lao, quá khả năng của họ.

Mẫu người thứ hai là những người biệt phái hôm nay đến gặp Chúa Giêsu: họ sớm trở thành đối thủ của Chúa. Tin Mừng thánh Marcô ngay từ những chương đầu, những chương đầu mô tả hoạt động rộng rãi và đầy quyền năng của Chúa, đã cho thấy Chúa Giêsu bị chống đối, bị vặn hỏi. Sở dĩ biệt phái chống đối Chúa vì họ sống vì mình, lấy mình làm trung tâm, làm tiêu chuẩn mọi sự, bắt mọi người, thậm chí bắt cả Chúa Giêsu phải làm theo họ nghĩ mới được. Chính vì thế, tuy thấy Chúa làm phép lạ nhiều, lòng họ vẫn lì lợm khiến Chúa hôm nay phải thịnh nộ nhìn họ.

Chúng ta xin Chúa giúp chúng ta thoát khỏi thái độ của biệt phái. Bởi vì khi mắc vào thói chỉ biết có mình, chỉ coi mình như khuôn thước của mọi sự, chúng ta sẽ mắc phải những khuyết điểm độc hại:

Đó là đánh giá sai lầm về kẻ khác, dù những việc họ làm là đúng là tốt, mà chúng ta vẫn cho là xấu.

Rồi chúng ta tìm mọi mưu chước để củng cố địa vị và quan điểm của mình: bằng cách nói xấu kẻ khác, hạ uy tín kẻ khác và loại trừ họ, như biệt phái cấu kết với phe Hêrôđê để khử trừ Chúa Giêsu.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể giúp chúng ta càng ngày càng quên mình, diệt trừ khuynh hướng tự tôn, để trở nên khiêm nhường, để chân thành sống vì Chúa và vì tha nhân. (Nếu có lễ kính thánh nào thì thêm: để chúng ta được ơn bước theo con đường thánh……. đã đi, vì việc nên thánh hay đổ máu vì Chúa không là một việc ngẫu nhiên, bỗng dưng, mà thường phải là kết quả của một quá trình tập sống quên mình, hãm mình vì Chúa, vì anh em).


THỨ NĂM

1Sm 18,6-9;19,1-7; Mc 3,7-12

lời Chúa hôm nay hẳn phải giúp chúng ta thêm hiểu biết về tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người và tín nhiệm vào tình yêu đó hơn nữa? Ngay trong thế giới loài người, với đủ thứ tâm tình phức tạp, mà còn có những mối tình bằng hữu chân thành và sâu sắc như tình bạn giữa Gionathan và Đavít, thì làm sao chúng ta lại không tin là Thiên Chúa có thể đối xử với chúng ta như và hơn một người bạn? Bởi vì Thiên Chúa là Đấng duy nhất, và là Đấng trung thành.

Gionathan là con của vua Saolê, người đang ngấm ngầm ghen ghét Đavít trước những thành công rực rỡ của chàng mục tử đất Belem. Thế nhưng, Gionathan lại không chia sẻ những tâm tình bất chính của vua cha, chàng tín nhiệm vào Đavít, yêu quí Đavít và tìm mọi cách bảo vệ Đavít. Ngược lại, Đavít cũng chân thành tin tưởng Gionathan, con của vị vua đang trở thành kẻ thù của mình. Đây là điển hình cho tình bạn ở trần gian, và nhất là biểu tượng của tình thương của Thiên Chúa đối với loài người. 

Tình thương ấy của Thiên Chúa, Ngôi Lời đã đến để bày tỏ. Đức Giêsu khi ở trần gian đã có những người bạn thân như Lazarô, Mácta, Maria, như Nhóm Mười Hai… Nhưng, Đức Giêsu cũng đón nhận bất cứ người nào, nhất là những người đau khổ. Bất cứ người nào, đặc biệt những người gặp phiền sầu thử thách, đều có thể gặp thấy Đức Giêsu là một người bạn, sẵn sàng nâng đỡ (x. Mt 11,28). 

Chúng ta sắp đón lấy Chúa vào lòng. Tuy nhiên, mọi sự tùy thuộc vào Đức Giêsu và mọi sự cũng tùy thuộc vào chúng ta. Đức Giêsu cống hiến cho chúng ta trọn vẹn tình yêu của Ngài, một tình yêu không bao giờ hối tiếc. Nhưng phía chúng ta, chúng ta có tín nhiệm vào tình thương bao la của Chúa chăng, và có vận dụng sáng kiến để đáp trả tình yêu ấy chăng?


THỨ SÁU

1Sm 24,3-21; Mc 3,13-19

Dù là trường hợp của vua Saolê, của Đavít hay của các Tông Đồ, bao giờ việc Chúa gọi một con người cũng là một bí ẩn và nhất là một mầu nhiệm yêu thương.

Trước hết, ơn gọi bí ẩn và mầu nhiệm yêu thương ở chính việc kén chọn của Chúa. Chúa hoàn toàn có sáng kiến riêng của Ngài, một sáng kiến không sao cắt nghĩa được. Như Tin Mừng hôm nay nói “Chúa Giêsu gọi những kẻ mà Ngài muốn”. Vậy chọn ai, đó là việc của Chúa. Saolê, Đavít, các Tông Đồ đều là những người thuộc các gia đình tầm thường, đều là những con người không có gì xuất sắc ở thời đại của họ, thế mà Chúa đã kén chọn, đã kêu gọi họ. Ơn gọi nào cũng là một bí ẩn.

Thứ đến, ơn gọi nào cũng bao hàm một sự tín nhiệm đặc biệt và những kỳ vọng lớn lao của Chúa đối với kẻ được gọi. Chúa tín nhiệm họ nên mới quyết định cho họ nên kẻ nghĩa thiết của Ngài, kẻ “được xức dầu” của Ngài, sống gần Ngài, và trao việc tiếp nối sứ mạng cứu thế của Ngài. Chúa kỳ vọng nơi họ ở điểm mong họ sẽ trở nên những con người mới và nên những cộng sự đắc lực: gọi ai là Chúa đã nhìn họ bằng con mắt mới, đã xác định lại tư cách và vị thế của họ trước mặt Ngài: Simon được đổi tên là Phêrô, hai anh em Giacôbê và Gioan được đặt tên là “con của sấm sét”. Đó là chi tiết nói lên sự đánh giá lại và kỳ vọng của Chúa đối với một con người mà Chúa kêu gọi, làm như Chúa cần có những trung gian, những hiện thân của Chúa để thực hiện cả một kế hoạch cứu thế rộng lớn.

Cho nên được Chúa gọi là một diễm phúc lớn lao. Tiếc rằng nhiều người không ý thức về diễm phúc đó và thay vì sống như cộng sự viên của Chúa, họ lại tiếp tục sống theo con người cũ để làm hỏng công việc Chúa trao phó do tin tưởng: đó là trường hợp vua Saolê và Giuđa Iscariôt. Họ đã phụ bạc đối với lòng yêu thương của Chúa.

Còn những ai ý thức về tình thương của Chúa đối với mình sẽ dễ sống theo cõi lòng và thái độ Chúa: Đavít đã là con người quảng đại, hiền lành, có thể giết được kẻ từng ám hại mình mà đã lấy ơn trả oán, các Tông Đồ sẽ là những kẻ hăng say nối tiếp sứ mạng của Chúa và nên những cộng sự viên đắc lực của Chúa .

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đã chọn tất cả chúng ta, giúp mỗi người chúng ta sống nên người mới, để giữa đời, chúng ta thành hình ảnh và hiện thân của Chúa, để nhờ chúng ta, công cuộc cứu thế của Chúa dễ được thực hiện cách tốt đẹp.


THỨ BẢY

2Sm 1,1-4.11-12.19.23-27; Mc 3,20-21

Khi nghe tin vua Saolê và hoàng tử Gionathan đã tử trận trên chiến trường Gilbôa, Đavít đã thương khóc và để tang. Bài điếu văn ông ngâm để than khóc nhà vua và hoàng tử vừa chân thành vừa sâu sắc, nói lên được tấm lòng trung hiếu của một kẻ bầy tôi đối với đức vua và lòng tín nghĩa của một người bạn đối với một người bạn chí thiết. Bài này được coi như một tuyệt tác trong nền thi ca Cựu ước.

Hẳn có người sẽ nghĩ: sao Đavít lại “điên” như thế? Vua Saolê, kẻ từng tìm cách giết ông, nay đã mất. Hoàng tử Gionathan cũng đã tử trận. Thế thì phải mừng rỡ vì từ nay mạng sống mình không còn bị đe dọa nữa và đường dẫn đến ngai vàng đã rộng mở! Nhưng Đavít đã không phản ứng theo kiểu tầm thường như vậy. Bụng dạ Đavít quân tử hơn nhiều. Đavít đã sống được điều sau này thánh Phaolô nói trong bài ca đức mến: “Đức ái không ích kỷ, không cáu kỉnh, không chấp nhận sự dữ, không mừng trước sự bất công” (1Cr 13,5-6).

Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, là tình yêu Thiên Chúa nhập thể, đã đến để bày tỏ tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã hy sinh sức lực, hy sinh thì giờ để phục vụ mọi người. Thế là họ hàng thân thuộc của Chúa bảo rằng Ngài đã mất trí. Với cái nhìn hẹp hòi, ích kỷ, họ không bắt gặp được con tim của Đức Giêsu. Và suốt thời gian Đức Giêsu hoạt động công khai, họ không cộng tác, cũng không tin Ngài.

Còn chúng ta khi đã đón nhận Lời và Mình Thánh của Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải chia sẻ tâm tình của Ngài. Đó là tâm tình quãng đại, vị tha, mong muốn điều thiện hảo cho mọi người. Muốn thế, chúng ta phải biết hy sịnh những lợi lộc riêng tư và quan điểm vị kỷ của mình.


Mới hơn Cũ hơn